Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng tiêu dùng nhanh, kho vận khát nhân sự cấp cao

Ba nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất Việt Nam vừa được công bố theo kết quả khảo sát mức lương toàn cầu năm 2016 của công ty Robert Walters.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mạnh. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhà máy sản xuất đến Việt Nam kéo theo sự phát triển trong chuỗi cung ứng và dịch vụ kho vận (logistics). Trong khi đó, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở Việt Nam cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp trong ngành FMCG luôn muốn tăng trưởng và phát triển, củng cố đội ngũ quản lý cấp cao.

Công ty dự đoán, những người nhảy việc trong năm 2016 sẽ có mức lương tăng khoảng 15-25%. Các nhân sự cấp cao khi tìm việc đều muốn phát triển sự nghiệp, học hỏi và phát triển, và thấy phù hợp với môi trường công ty.

Logistics

Việt Nam đang "khát" nguồn nhân lực. Ảnh: Đô Thị.

Báo cáo cũng cho thấy các tập đoàn đa quốc gia đang tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều nhân sự cấp cao người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài do thiếu nguồn nhân lực trong nước.

Trao đổi với Zing.vn, ông Jon Whitehead, Giám đốc Quốc gia của Robert Walters, cho rằng doanh nghiệp tuyển dụng người Việt ở nước ngoài không chỉ để lấp đầy khoảng cách cho các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao, mà còn để họ có thể hướng dẫn và truyền đạt kiến thức cho các đồng nghiệp người Việt.

“Việc thu hút nhân sự cấp cao ở nước ngoài về nước làm việc không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore và Indonesia. Các công ty đều nhìn thấy lợi ích từ việc này.

Với những người sinh ra ở Việt Nam và ra nước ngoài làm việc, họ có hiểu biết về văn hóa, am hiểu ngôn ngữ nên họ có thể xây dựng mối quan hệ với quản lý cấp cao người nước ngoài hoặc người Việt, và cũng có thể xây dựng quan hệ với nhân viên cấp dưới,” ông Whitehead cho biết.

Sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm 2015, lao động trong tám ngành nghề được tự do di chuyển và lao động trong khu vực. Lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với lao động của các nước khác.

Tuy nhiên, ông Whitehead cho rằng người Việt Nam không nên lo lắng về điều này. Theo ông, kinh tế phát triển rất nhanh, và người lao động cần thời gian để học và phát triển kỹ năng. Các công ty muốn người lao động phát triển kỹ năng, và họ không muốn đầu tư vào người lao động và sau đó họ rời đi chỉ vì muốn có mức lương cao hơn.

“Tôi nghĩ nếu chúng ta nhìn toàn cảnh, có 3-4 quốc gia trong khu vực phát triển hơn Việt Nam. Nhiều quốc gia đang phát triển, và có cả quốc gia còn đứng sau Việt Nam. Nếu tài giỏi, người lao động Việt Nam có cơ hội để di chuyển và làm việc tại các quốc gia khác,” ông Whitehead nói.

“Tôi từng nói chuyện với một nhóm doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp đều để ý tới Việt Nam và họ tìm kiếm nhân sự người Việt. Có nhiều cơ hội làm việc ở đây. Chúng tôi đã nhận nhiều CV từ nhân sự cấp cao người nước ngoài muốn đến Việt Nam làm việc”.

Robert Walters là công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao thành lập năm 1985 và có trụ sở tại Anh. Từ năm 2000, hàng năm công ty đều công bố khảo sát mức lương toàn cầu. Năm nay, khảo sát thực hiện tại 24 quốc gia, riêng khu vực Đông Nam Á có Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia.

 



Lan Dung

Bạn có thể quan tâm