Một doanh nghiệp thương mại điện tử tại Hà Nội đưa thông tin tuyển dụng nhân viên trải nghiệm sản phẩm với mức lương gây sốc là 50 triệu đồng một tháng. Nhân sự trúng tuyển, ngoài được trả lương cao còn được cộng vào tài khoản 30 triệu đồng. Công việc của người trúng tuyển là lên và trình duyệt kế hoạch chi tiêu khoản 30 triệu đồng, có sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp tuyển dụng.
Vì sao gây tranh cãi?
Thông tin tuyển dụng nói trên gây tranh cãi trên mạng xã hội và các diễn đàn. Bên cạnh những người tin đó là thông báo thật, không ít ý kiến lại tỏ ra hoài nghi, cho rằng đây chỉ là chiêu PR thương hiệu hoặc sản phẩm của nhà tuyển dụng.
Thực tế, tại nhiều công ty thương mại điện tử, tuyển dụng tester là hoạt động nhân sự khá phổ biến. Mức lương trung bình cho vị trí mới dao động từ 5 đến 7 triệu đồng một tháng. Lương quản lý bộ phận có thể đạt từ 10 triệu đồng trở lên.
Còn bản tin tuyển dụng nói trên lại đưa ra mức lương lên đến 50 triệu đồng, gấp gần 10 lần khung phổ biến. Chính vì thế, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực.
Anh Vương Quang Đạo, nhân viên trải nghiệm sản phẩm một công ty công nghệ trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, ngay cả vị trí quản lý Việt Nam cũng khó đạt được mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng. "Ngay cả họ có tuyển nhân tài thì tôi nghĩ đây cũng không phải vị trí có thể gắn bó lâu dài”, anh Đạo chia sẻ.
Chuyên viên marketing online Nguyễn Khánh Dương dự đoán, ngoài nhu cầu tuyển dụng, không loại trừ khả năng doanh nghiệp dùng chính tin tuyển dụng gây sốc để truyền thông sản phẩm. “Tôi từng nhận được yêu cầu đăng ký dịch vụ viral marketing (hình thức marketing lan tỏa cộng đồng – PV) với tin tuyển dụng này. Đương nhiên, chuyện doanh nghiệp tuyển dụng vị trí tester là có thật nhưng thông tin tuyển dụng kiểu này cũng là chiêu PR hiệu quả”, anh Dương nói.
Thông tin tuyển dụng gây tranh cãi do đặt mức lương cao gấp 10 lần thị trường và nêu chi tiết chi phí thử nghiệm của công ty. |
Đại diện một công ty công nghệ hoạt động cùng lĩnh vực thanh toán điện tử cho biết, tuyển dụng vị trí tester không có gì lạ. Tester là nhân viên trải nghiệm sản phẩm và gửi báo cáo những đánh giá ưu điểm, nhược điểm của sản phẩm. Tại hầu hết các công ty, nhân sự tester hưởng lương cứng và có thể có thêm thu nhập theo hiệu quả kinh doanh hàng tháng của bộ phận.
Tuy nhiên, với mức lương nói trên, đại diện này cho rằng: “Đây có thể coi là chi phí kiểm thử sản phẩm. Mức thù lao này có thể được thỏa thuận riêng giữa doanh nghiệp và nhân sự trong mỗi trường hợp cụ thể”.
Với câu hỏi: “Liệu đây có phải một chiêu PR của doanh nghiệp?”, nhiều đại diện công ty thương mại điện tử từ chối bình luận với lý do, việc nhận xét về sản phẩm của đối thủ vừa là điều không nên, vừa có thể càng giúp sản phẩm đối phương được truyền thông rộng rãi hơn.
Theo thông tin từ đơn vị tuyển dụng, mẩu tin trên được đăng tải từ cuối tháng 11, có dưới 50 ứng viên nộp hồ sơ. Chia sẻ với nhà tuyển dụng, nhiều ứng viên tỏ ra nghi ngại về tính nghiêm túc của thông tin này cũng như mức lương 50 triệu đồng một tháng. Đại diện này cho biết, hết 1 tháng, người trúng tuyển có thể thỏa thuận để luân chuyển vị trí khác cho phù hợp.
Tester thế giới: Lương trung bình 8.300 USD
Trên thế giới, việc các công ty phát triển phần mềm di động tuyển dụng tester là khá phổ biến. Mức lương cho nhân sự vị trí này rất lớn, từ vài chục tới hàng ngàn USD một giờ, trong khi chi phí thử nghiệm đều được công ty chi trả.
Theo khảo sát của CWJobs, trang mạng việc làm IT với 25.000 thành viên của Anh, mức lương trung bình cho một nhân viên thử nghiệm ứng dụng là khoảng 8.300 USD một tháng.
Không chỉ yêu cầu hiểu biết một cách sâu sắc về sản phẩm cần trải nghiệm, theo CWJobs, người làm được công việc này cần có khả năng sáng tạo tốt, làm việc kỷ luật và hơn hết là thuyết phục được những nhà phát triển sản phẩm về kế hoạch thử nghiệm của mình.
Trong khi đó, TestObject, một công ty phần mềm có trụ sở tại Berlin, Đức, thống kê rằng, 40% ngân sách để phát triển một ứng dụng di động được chi vào quá trình thử nghiệm. Mỗi năm, có tới hàng triệu ứng dụng di động được tạo ra. Một phần trong số đó liên quan tới thanh toán điện tử, và số tiền mà các công ty phải chi cho nhân viên thử nghiệm lên tới 8.000-30.000 USD cho cả chu trình sản phẩm.
"Nhiều công ty có thể thực hiện thử nghiệm trên mô hình giả lập. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc giả lập sẽ không bao giờ mang lại kết quả xác thực, bởi những giả định được đưa ra chỉ có hạn, tương thích với một tiêu chuẩn cụ thể của chính nhà phát triển mà không thể phù hợp với một cá nhân khách hàng trong thực tế", báo cáo của TestObject cho biết.