Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãng thông tấn Nga phân tích 'thói đạo đức giả' của Mỹ

Việc Mỹ cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế khi kiểm soát Crimea là biểu hiện của thói đạo đức giả, bởi Washington đã vi phạm luật pháp quốc tế vô số lần, hãng RT nhận định.

Zing.vn lược dịch nội dung bài bình luận về quan điểm và hành động của Mỹ đối với tình hình tại bán đảo Crimea trong mấy tuần qua.

Khi sự chia rẽ giữa phía đông và phía tây Ukraina trở nên sâu sắc hơn, những người ủng hộ chính quyền lâm thời tại Kiev mô tả Nga là nước gây hấn liều lĩnh nhằm rũ bỏ trách nhiệm của họ trong việc gây nên khủng hoảng.

Trong lúc những lời lẽ lên án Moscow tuôn ra ào ạt từ các nước phương Tây trong mấy ngày qua, dư luận nên hiểu rằng Ukraina hoàn toàn có thể tránh cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Nhằm xoa dịu người biểu tình, duy trì luật pháp và trật tự xã hội, cựu tổng thống Viktor Yanukovych đã nhượng bộ bằng cách đề nghị các nhà lãnh đạo đối lập tham gia chính phủ, nhưng họ từ chối.

Nga bày tỏ thiện chí tham gia những cuộc thương lượng với Ukraina và Liên minh châu Âu (EU) với hy vọng Moscow và Brussels có thể đóng vai trò tích cực trong sự phục hồi kinh tế của Ukraina, nhưng EU không chấp nhận đề xuất ấy. Thỏa thuận 21/2 mà Yanukovych ký với phe đối lập nhằm chấm dứt bạo động ở thành phố Kiev. Theo thỏa thuận, Yanukovych đồng ý giảm quyền lực của tổng thống, thiết lập những điều kiện để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, cải cách bầu cử, thay đổi Hiến pháp và tổ chức bầu tổng thống trước thời hạn.

Như vậy, chúng ta thấy vô số cơ hội để xoa dịu sự chia rẽ của Ukraina bằng một giải pháp chính trị. Nhưng phe đối lập (nay là chính phủ lâm thời) không hiểu trách nhiệm của họ trong việc tận dụng cơ hội. Họ lật đổ vị tổng thống dân cử và phá tan sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Người dân Nga tập trung tại quảng trường Đỏ ở thành phố Moscow để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc Crimea trở thành một phần lãnh thổ của Nga hôm 7/3. Ảnh: AP

Trong lúc chính phủ tự phong tại Kiev ban hành các luật thông qua một cơ quan lập pháp bù nhìn, phương Tây vẫn tỏ ra lưỡng lự trong việc xử lý vấn đề pháp lý của chính quyền mới. Họ phớt lờ việc phe đối lập giành quyền lực bằng một cuộc đảo chính phi pháp.

Cú điện thoại giữa trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Geoffrey Pyatt, Đại sứ Mỹ tại Ukraina, cho thấy rõ chủ trương đối với hoạt động can thiệp vào tình hình nội bộ nước ngoài và sự coi thường chủ quyền nước khác của Nhà Trắng (Ai đó đã cung cấp nội dung của cuộc đàm thoại giữa Nuland và Pyatt cho giới truyền thông). Không phải ngẫu nhiên mà Arseniy Yatsenyuk, nhân vật do Nuland lựa chọn, trở thành Thủ tướng lâm thời Ukraina. Những nhóm cực đoan nhân danh Mỹ để giành quyền lực tại Kiev.

Buổi bình minh của chủ nghĩa cực đoan

Để tạo ra làn sóng đủ lớn trong việc lật đổ Yanukovych, những nhà lãnh đạo phe đối lập tập hợp sức mạnh của những nhóm mang tư tưởng phát xít như Svoboda, Trizub và Right Sector. Những nhóm này kích động tư tưởng bài người Do Thái và Nga, đồng thời quảng bá tư tưởng phát xít mới. Họ chiếm quảng trường Độc lập, xông vào các văn phòng chính quyền, tấn công cảnh sát bằng bom xăng, súng cùng những vũ khí ghê gớm khác. 

Sự lên ngôi của những thế lực cực đoan vốn chỉ chiếm thiểu số trong dân số Ukraina khiến các dân tộc thiểu số lo ngại. Tâm trạng đó thể hiện qua lời kêu gọi của Moshe Reuven Azman, một giáo sĩ Do Thái. Azman hô hào người Do Thái rời khỏi Ukraina sau những diễn biến chính trị gần đây. Những khu vực ở phía đông và đông nam Ukraina, nơi nhiều người nói tiếng Nga sinh sống, đang chứng kiến những cuộc biểu tình chống chính phủ lâm thời. Những người biểu tình cắm cờ Nga lên nóc các tòa nhà chính quyền để phản đối giới lãnh đạo mới.

Sau khi giành quyền lực, chính phủ mới ở Kiev đã cố gắng ban hành luật để cấm sử dụng tiếng Nga và các ngôn ngữ khác trong những văn bản chính thức. Hành động của họ gây rối loạn xã hội và kích động tư tưởng ly khai trong một bộ phận dân chúng vốn có tư tưởng yêu mến nước Nga. Những diễn biến quá nhanh ở Kiev và những quyết định của chính phủ mới đã châm ngòi cho khủng hoảng. Vì thế, nhiều người ở phía đông và đông nam Ukraina mong đợi sự can thiệp của Nga nhằm chấm dứt  quá trình chuyển giao quyền lực phi pháp khiến đất nước đứng trước nguy cơ chia rẽ.

Nga đóng vai trò là lực lượng ổn định tình hình

Ông Viktor Yanukovych, tổng thống hợp pháp của Ukraina, và chính phủ Cộng hòa tự trị Crimea yêu cầu Nga đưa một số lượng binh sĩ nhất định tới bán đảo để bảo đảm sự an toàn của người Nga. Đây là một yêu cầu hợp lý trong bối cảnh Ukraina đang đối mặt với tình hình bất ổn chính trị và xã hội. 

Mọi người nên hiểu rằng triển khai binh sĩ Nga tại Crimea là hoạt động hợp pháp, phù hợp với hiệp ước an ninh giữa Moscow và Kiev. Các nước phương Tây đã hành xử vô lý và thiên vị khi họ cáo buộc Nga “xâm lược” Ukraina và hăm dọa trừng phạt.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ám chỉ Nga hành động như một đế quốc trong thế kỷ 19 bằng cách xâm lăng Ukraina. Lời lẽ của Kerry là hình ảnh thu nhỏ của những tiêu chuẩn kép giả nhân giả nghĩa và sự dối trá của Washington, bởi Mỹ và các nước đồng minh của họ trong NATO vi phạm luật pháp quốc tế vô số lần.

Thái độ giận dữ mà các nước phương Tây thể hiện đối với “sự gây hấn của Nga” trái ngược hoàn toàn với thái độ kiềm chế của họ khi Ả rập Xê út đưa binh sĩ vào Bahrain trong năm 2011 để trấn áp các cuộc biểu tình hòa bình. Phương Tây cũng chẳng lên án khi quân đội Pháp can thiệp vào tình hình nội bộ ở Mali và Cộng hòa Trung Phi, dù nhiều người dân địa phương ở hai nước này coi lính Pháp là những kẻ xâm lược. 

Phương Tây theo đuổi tiêu chuẩn kép về tính hợp pháp trong vấn đề can thiệp vào nội bộ của một quốc gia. Họ từng dùng quyền lực mềm để can dự vào nước khác. Do đó, việc phương Tây nói Nga can thiệp vào tình hình Ukraina và muốn xâm phạm chủ quyền của nước láng giềng thực sự là một hành động nguy hiểm và mang động cơ chính trị.

Chính quyền Obama đề xuất với Tổng thống Putin một giải pháp nhằm thoát khỏi khủng hoảng tại Ukraina. Họ mô tả nó là "giải pháp hợp lý mà vẫn giữ thể diện cho Nga”. Theo đề xuất của Washington, lực lượng quân sự châu Âu sẽ thay thế binh sĩ Nga ở Crimea để ngăn chặn những mối nguy hiểm đối với người Nga ở đây. Song các quan chức Nhà Trắng thừa hiểu Điện Kremlin sẽ không bao giờ chấp nhận sự sắp đặt như thế ở một vùng như Crimea – nơi gắn kết chặt chẽ với Nga về chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự.

Giới cầm quyền mới ở Kiev rất cần sự giúp đỡ của Washington và Brussels trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Ukraina. Nhiều dấu hiệu cho thấy phương Tây sẽ đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt về cải cách cơ cấu và giảm chi tiêu ngân sách trước khi họ cho Ukraina vay tiền. Những điều kiện ấy sẽ gây nên sự bất mãn của người dân, đe dọa khả năng tồn tại của chính quyền phi pháp tại Kiev.

Những chia rẽ nội bộ trong các cơ quan quốc phòng và hành chính của Ukraina đang diễn ra. Tình trạng ấy thể hiện qua việc Đô đốc Denis Berezovsky, Tư lệnh Hải quân Ukraina, và một số quan chức cấp cao khác từ bỏ chính phủ mới để gia nhập Cộng hòa tự trị Crimea. Như vậy, tâm lý chống chính phủ mới ở Kiev ngày càng trở nên sâu sắc.

Người dân trên bán đảo Crimea sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 để quyết định tương lai của họ. Ngay từ bây giờ, giới quan sát có thể dự đoán rằng đa số họ sẽ muốn hưởng quyền tự trị lớn hơn hoặc gia nhập Liên bang Nga.

Nếu chính phủ Nga cảm thấy mọi khả năng đối thoại đều không còn và cộng đồng quốc tế phải thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Crimea, Moscow sẽ hành xử trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và kiềm chế ở mức tối đa.

Thái Dương (theo RT)

Bạn có thể quan tâm