Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãng thiết kế chip hàng đầu thế giới vừa tung phao cứu sinh cho Huawei

ARM, gã tí hon nhưng rất có "số má" trong lĩnh vực công nghệ vừa đưa ra tuyên bố có thể khiến các lãnh đạo Huawei nhẹ nhõm.

Sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen cấm giao dịch công nghệ, nhiều công ty cũng ra tuyên bố tuân thủ lệnh cấm. Đáng chú ý trong số đó là ARM, công ty thiết kế chip hàng đầu có trụ sở tại Anh.

Tuyên bố của ARM được giới công nghệ nhận định là cú "knock-out" với Huawei, vì hãng này sở hữu bản quyền thiết kế hầu hết chip di động. Không có dịch vụ của Google, Huawei có thể sử dụng Android mã nguồn mở hoặc hệ điều hành tự phát triển; nhưng không có công nghệ của ARM, họ chẳng có cách nào làm phần cứng trên di động.

arm vua cuu huawei anh 1
Công ty chip HiSilicon của Huawei cũng sử dụng những thiết kế của ARM để phát triển các con chip Kirin, sử dụng trên smartphone thương hiệu Huawei và Honor. Ảnh: Huawei.

Tuy nhiên, ARM mới đây đã giúp Huawei nhẹ nhõm khi quyết định tiếp tục cung ứng bản quyền chip cho công ty Trung Quốc. Trong thông báo của mình, ARM cho biết bộ phận pháp lý của công ty xác định công nghệ chip của họ có xuất xứ từ Anh chứ không phải Mỹ, do đó không cần tuân thủ theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ.

Theo Reuters, người phát ngôn của ARM cho biết qua email rằng sau khi đánh giá toàn diện, kiến trúc v8 và v9 của ARM có nguồn gốc Anh, do đó nếu cung cấp cho Huawei, họ không vi phạm lệnh cấm của Mỹ.

ARM là một công ty tí hon nếu so về doanh thu với những gã khổng lồ như Huawei, Apple hay Intel. Tuy nhiên, họ lại là công ty hàng đầu về thiết kế chip. Những vi xử lý mới nhất của các hãng đình đám như Apple A13 Bionic, Samsung Exynos hay Qualcomm Snapdragon đều sử dụng giấy phép thiết kế của ARM.

ARM cung cấp 2 loại giấy phép sử dụng cho các hãng smartphone: giấy phép thiết kế và giấy phép sử dụng chip. Apple, Qualcomm hay Samsung là những hãng sử dụng giấy phép thiết kế của ARM để điều chỉnh, tạo nên thiết kế nhân vi xử lý cho riêng mình.

Nhân Vortex của Apple, Krait của Qualcomm hay M3 của Samsung là những thiết kế tinh chỉnh dựa trên thiết kế có sẵn của ARM.

Huawei cũng phát triển dòng chip HiSilicon Kirin của mình trên thiết kế từ ARM. Nếu như ARM không cấp phép các thiết kế mới cho Huawei, công ty Trung Quốc chỉ có thể sử dụng các kiến trúc cũ, không được chia sẻ những thiết kế mới.

arm vua cuu huawei anh 2
Không có dịch vụ Google, Huawei vẫn có thể sử dụng Android mã nguồn mở như trên chiếc Mate 30 Pro. Nếu không có công nghệ của ARM, họ chẳng có cách nào làm phần cứng trên di động. Ảnh: Xuân Tiến.

Ngoài ARM, hiện tại không còn hãng nào cung cấp thiết kế chip cho điện thoại. Nếu Huawei muốn phát triển một thiết kế từ đầu, họ sẽ phải mất nhiều năm, theo nhận định của Android Authority. Đến lúc đó, những đối thủ của Huawei có thể đã sử dụng thiết kế mới, tiên tiến hơn từ ARM.

Việc ARM tiếp tục cung ứng công nghệ chip cho HiSilicon của Huawei sẽ xóa bỏ phần nào áp lực mà công ty Trung Quốc đang phải gánh chịu.

Lệnh cấm được chính phủ Mỹ đưa ra từ tháng 5, và sau 5 tháng dường như vẫn chưa tác động đến tình hình kinh doanh của Huawei. Tuần qua, công ty này công bố kết quả kinh doanh với nhiều dấu hiệu tích cực. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mảng smartphone tăng trưởng 26%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định những tín hiệu tích cực của Huawei không nói lên nhiều điều, vì họ đã dự trữ vật tư trong một thời gian. Doanh thu quý IV sẽ đưa ra chỉ số chính xác hơn về tác động của lệnh cấm xuất khẩu.

Trải nghiệm nhanh Huawei Nova 5T giá 9 triệu tại Việt Nam Ngày 16/9, Huawei ra mắt Nova 5T tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm sẽ vẫn được hỗ trợ đầy đủ các dịch vụ của Google với giá bán 9 triệu đồng.

Huawei sau 5 tháng bị cấm vận

Sau 5 tháng chính quyền của ông Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen, kết quả kinh doanh của công ty Trung Quốc vẫn có dấu hiệu tăng trưởng.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm