Chợ đầu mối Thủ Đức (TP HCM) nhộn nhịp hơn hẳn. Sát nhà lồng chợ, một hàng dài xe tải đang hối hả xuống hàng, bên ngoài có đến 2-3 dãy xe chờ tới lượt. Bên trong nhà lồng, nhân viên các chành, vựa khẩn trương khuân vác, bày trí hàng hóa. Theo các tiểu thương, chợ đang vào cao điểm bán Tết nên lượng hàng đổ về rất nhiều.
Sức mua không như kỳ vọng
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết lượng hàng về chợ đã tăng nhiều. Đêm 3 và rạng sáng 4/2, lượng hàng về chợ đạt hơn 6.000 tấn, tăng gần 2.000 tấn so với đêm trước và gần 50% so với ngày thường. Cao điểm đêm 27 và rạng sáng 28 tháng Chạp, có đến 7.000 tấn hàng đổ về chợ này.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa kiểm tra nguồn cung hàng Tết tại chợ đầu mối Bình Điền rạng sáng 4/2. |
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, do bán chậm nên lượng hàng về chợ mỗi đêm chỉ khoảng 2.900 tấn (ít hơn dự kiến khoảng 300 tấn). Riêng mặt hàng thịt heo là tiêu thụ mạnh, lượng nhập chợ đã tăng gấp đôi và sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới, ở mức 800- 1.000 tấn mỗi đêm. Cao điểm là 2 đêm 26, 27 tháng Chạp, lượng hàng về chợ Hóc Môn có thể lên đến 5.200 tấn mỗi đêm, tăng 100% so với bình thường.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, hàng hóa về đây đã tăng mạnh, đêm 27 tháng chạp, tổng lượng hàng nhập chợ đạt khoảng 3.400-3.600 tấn.
Theo phản ánh của tiểu thương và ban quản lý các chợ đầu mối, lượng hàng đổ về TP HCM tăng mạnh từng ngày nhưng sức mua chỉ tăng nhẹ nên lượng tồn tương đối lớn. Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức phải cho kéo dài thời gian bán hàng đến 10h sáng để tiểu thương giải quyết hàng tồn.
Tại các chợ bán lẻ, không khí Tết đã sôi động nhưng cũng như các chợ đầu mối, sức mua không như kỳ vọng của tiểu thương. Tại chợ Bến Thành sáng 4/2, khách tập trung chủ yếu ở các sạp thực phẩm khô, bánh mứt và trái cây. Khu vực quần áo, giày dép, đồ lưu niệm vắng khách. Ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành, giải thích hiện nay, người tiêu dùng thích mua sắm ở siêu thị hơn ra chợ. Bên cạnh đó, xu hướng giảm ăn uống, tăng vui chơi Tết nên sức mua tại chợ chỉ tăng nhẹ. Chủ sạp đồ khô Hương Xuân ở chợ Bến Thành cho rằng so với mọi năm, sức mua Tết năm nay yếu hơn.
Đến hẹn… giá lại tăng
Dù lượng hàng đổ về TP HCM rất dồi dào, chủng loại phong phú nhưng giá một số mặt hàng đã tăng nhẹ. Theo các ban quản lý chợ, việc tăng giá chủ yếu xảy ra ở những mặt hàng đặc trưng Tết. Các loại trái cây chưng Tết như bưởi da xanh, dưa hấu dài, dưa hấu sọc hút hàng, giá tăng 3.000-16.000 đồng/kg; thanh long tăng 5.000 đồng/kg. Các loại bầu bí, dưa leo, khổ qua, cải thảo, củ cải trắng cũng tăng giá 1.000-6.000 đồng/kg. Hàng hải sản dùng nhiều trong Tết như cá thu, mực ống, mực lá, tôm sú, tôm khô... tăng giá khoảng 10%-20%, dự kiến còn tăng tiếp trong 1-2 ngày tới theo đà tăng của thị trường, trong khi ngư dân ngưng đánh bắt.
Tại chợ Bến Thành sáng 4/2, giá các mặt hàng tôm khô, cà chua, dưa leo, gà ta, trái cây... đã nhích lên ít nhất 10% so với tuần trước. Trong khi đó, gà công nghiệp, một số loại rau cải không tăng hoặc giảm do các bếp ăn tập thể ngưng hoạt động.
Tết này, xu hướng người tiêu dùng chê hàng Trung Quốc thể hiện khá rõ. Lượng rau củ, trái cây Trung Quốc về các chợ đã giảm rất mạnh so với những năm trước do khó tiêu thụ. Tại chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi đêm chưa đến 100 tấn rau củ, trái cây Trung Quốc đổ về, trong khi năm rồi phải đến vài trăm tấn.
“Riêng trái cây nhập chợ, nguồn hàng từ Mỹ, châu Âu chiếm khoảng 30%. Tết này, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức nhập thử 100 tấn lê Hàn Quốc về bán rất chạy” - bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, hàng Việt Nam chiếm 95%, hàng Trung Quốc 4%, còn lại là hàng nhập từ các nước khác.
Giám sát chặt thị trường Tết
Trực tiếp dẫn đoàn các sở, ngành TP HCM kiểm tra hoạt động tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá đến thời điểm này, nguồn hàng về TP HCM rất dồi dào, phong phú, đúng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết do UBND TP HCM chỉ đạo. “Các chợ đầu mối đang cung ứng 70% thực phẩm cho thành phố. Qua báo cáo của các chợ, không chỉ nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định mà chất lượng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chú trọng. TP HCM yêu cầu các chợ theo dõi chặt thị trường Tết, không để thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, các ban quản lý chợ phải phối hợp cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Lê Văn Khoa chỉ đạo.