Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữa voi và người vẫn đang tiếp diễn hàng ngày.
Chưa đầy 1 năm trước, tỉnh Ðồng Nai đã xây dựng hệ thống hàng rào điện dài 50 km chạy qua địa phận huyện Vĩnh Cửu và huyện Ðịnh Quán (Ðồng Nai) để ngăn cách giữa phạm vi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Ðồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên nơi có đàn voi rừng nội địa Việt Nam sinh sống với khu vực người dân địa phương sinh sống, canh tác.
Hàng rào điện bảo vệ voi ra đời xuất phát từ đề xuất của tiến sĩ Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Ðồng Nai.
50 km hàng rào điện vẫn chưa đủ ngăn voi
Hàng rào điện có 19 cổng chính cho ôtô chạy qua và hơn trăm cổng phụ dành cho xe máy lưu thông, nhằm giúp người dân ra vào nương rẫy canh tác và thu hoạch mùa màng. Toàn tuyến có 10 trạm phát xung điện.
Ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ðồng Nai giải thích: Thiết bị phát xung cấp xung điện qua dây thép hàng rào. Xung điện gây giật, choáng cho động vật nhưng là gây sốc an toàn, không làm nguy hiểm đến động vật.
Ông Dũng từng chia sẻ: “Từ khi hàng rào điện được đưa vào vận hành thử nghiệm đến nay thì chưa có con voi nào vượt qua được. Ðó là thành công ban đầu…”.
Ðàn voi rừng thường xuyên ra khu vực dân cư xã Thanh Sơn. |
Thêm 20 km và bao nhiêu?
Tuy nhiên sau 1 năm vận hành đàn voi vẫn ra khu vực dân cư phá tài sản, cây trồng và đe dọa tính mạng người dân. Nguy cơ xung đột giữa người và voi vẫn đang diễn ra.
Ông Trần Viết Ơn, người bị voi quần nát vườn chuối đầu tư hàng trăm triệu đồng sắp đến kỳ thu hoạch nói: “Từ hồi tháng 5 tới giờ, hầu như đêm nào ông cũng về 2 con, vùng trên kia thì ông về 5-6 con. Ông không ăn mà chỉ phá hư hại của dân vậy thôi”.
Hơn 10 hộ dân gần nhà ông Ơn cũng bị voi phá nát cây trồng. Những căn nhà giữ rẫy, chứa vật liệu sản xuất cũng bị voi giật tung. Theo người dân trước đây đàn voi chỉ ra buổi tối để tìm thức ăn. Còn bây giờ cả đàn thường xuyên vào rẫy giữa ban ngày.
Ông Lê Ðức Hiển, một hộ dân cảnh báo: “Voi tìm những khu vực chưa có hàng rào điện để vào khu vực dân cư. Vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ xảy ra xung đột lớn giữa người và voi”.
Chi cục Kiểm lâm Ðồng Nai cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, đàn voi rừng khoảng 15 cá thể liên tục kéo về phá nương rẫy, vườn cây ăn trái của người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán. Theo ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ðồng Nai diện tích vùng sinh cảnh sống của đàn voi rừng ở Ðồng Nai là khoảng trên 42.000 ha.
Từ tháng 7/2017 khi hàng rào điện đưa vào vận hành đã bảo vệ được 16.000 ha rừng và diện tích vườn cây ăn trái, nương rẫy với khoảng 50.000 hộ dân thuộc hai huyện Vĩnh Cửu và Ðịnh Quán. Từ đầu năm 2018 đến nay, đàn voi đã kéo về phá nương rẫy của người dân tại xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán 35 lần. Nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái của người dân bị voi quật đổ, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân trong khu vực.
Theo ông Dũng, chính vì dự án mới chỉ thực hiện được 50 km hàng rào, chưa ngăn hết vùng sinh cảnh sống rừng tự nhiên và vùng canh tác của dân, do đó voi vẫn vào được nương rẫy để tìm thức ăn.
Hiện Chi cục Kiểm lâm đang kiến nghị UBND tỉnh Ðồng Nai và Tổng cục Lâm nghiệp cho phép tiếp tục xây dựng tiếp khoảng 20 km hàng rào điện từ điểm cuối hàng rào xã Thanh Sơn (huyện Ðịnh Quán) đến điểm cuối xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) với kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng.
Sau nhiều năm thực hiện đề án “Khẩn trương bảo tồn voi hoang dã tới năm 2010 và kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi Việt Nam” của Chính phủ, cuối năm 2017 hệ thống hàng rào điện hạng mục quan trọng nhất trong kế hoạch bảo vệ voi đã được hoàn thành tại tỉnh Ðồng Nai. 85 tỷ đồng cho dự án này đã được chi cho việc bảo vệ đàn voi với khoảng 14-16 cá thể.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ðồng Nai, cần có 400 km hàng rào điện bao quanh khu sinh cảnh của voi rừng, trong khi cộng cả 20 km đề xuất xây dựng thêm thì mới có 70 km hàng rào điện.