Tối 8/1, nhiều quán ăn uống và nhà hàng ở Sóc Trăng tấp nập khách ra vào. Thời gian mở cửa đã được kéo dài hơn sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu ký văn bản kết thúc giới hạn thời gian ra đường vào ban đêm để phòng, chống Covid-19.
Không còn sợ công an lập biên bản
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch Covid-19 tại địa phương này cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ người dân từ 12 tuổi trở lên tại Sóc Trăng đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 đạt hơn 98% nên ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng giảm.
Để tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động mua bán, sản xuất kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định kết thúc văn bản quy định thời gian người dân không được ra đường từ 21h đến 4h hôm sau.
Quán ăn, nhà hàng ở Sóc Trăng đã đông khách trở lại khi chính quyền tỉnh này bỏ quy định hạn chế thời gian ra đường vào ban đêm. Ảnh: Việt Tường. |
Anh Nguyễn Duy ở khu đô thị 5A cho biết khi hay tin chính quyền tỉnh Sóc Trăng không còn giới hạn thời gian ra đường vào ban đêm, tối 8/1, anh đã mời nhiều người thân từ thị xã Vĩnh Châu lên TP Sóc Trăng vui chơi và ăn uống đến 22h.
Sau thời gian này, anh Duy cho tài xế đưa người thân về lại Vĩnh Châu mà không sợ bị công an chặn xe để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19.
“Ngày 6/1, tôi đưa vợ con đi ăn lẩu băng chuyền nhưng nơi đây từ chối nhận khách do quá đông người. Ngày 7/1, tôi với vợ con quay lại nơi bán lẩu băng chuyền lúc 19h nhưng nhân viên phục vụ nói chỉ được ngồi ăn nửa giờ, vì 19h30 ngưng phục vụ. Ăn uống mà không thoải mái nên vợ chồng tôi về nhà nấu mì ăn”, anh Duy nói.
Anh Trần Mạnh Long ở thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) cho biết vợ, con anh rất thích đi trung tâm thương mại vào những ngày cuối tuần. Trước ngày 8/1, khi muốn đi TP Sóc Trăng chơi anh phải giục vợ, con mua hàng hoặc ăn, uống thật nhanh để về nhà trước 21h.
“Bây giờ thì thoải mái ăn uống, mua sắm rồi. Mấy ngày trước đi đâu vào ban đêm cũng chạy xe thật vội, thật nhanh để về nhà trước 21h vì sợ công an lập biên bản phạt hành chính”, anh Long chia sẻ.
Spa, thẩm mỹ viện ở Bạc Liêu mở cửa trở lại
Sau nhiều tháng áp dụng nghị quyết 128 để mở cửa, chính quyền tỉnh Bạc Liêu vẫn áp dụng việc hạn chế thời gian ra đường đối với người dân từ 20h đến 4h ngày hôm sau. Vì vậy, khi UBND tỉnh Bạc Liêu có quyết định công bố cấp độ dịch từ vùng cam sang vàng, bỏ quy định hạn chế thời gian ra đường vào ban đêm từ 8/1 đã khiến người dân Bạc Liêu vui mừng.
Đối với cấp huyện, Bạc Liêu có 4 vùng xanh (thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân) và 3 vùng vàng (TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi). Đối với cấp xã, Bạc Liêu không còn xã, phường, thị trấn nào vùng cam và đỏ. Tỉnh này có 24/64 xã, phường, thị trấn vùng vàng, còn lại đều là vùng xanh.
Tỉnh Bạc Liêu đã giảm cấp độ dịch từ 3 xuống 2 (vùng vàng). Ảnh: Việt Tường. |
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, những địa phương vùng xanh được tập trung không quá 30 người, vùng vàng 20 người. Nhà hàng, quán ăn, uống được phục vụ tại chỗ nhưng không quá 4 người một bàn và mỗi bàn cách nhau 2 m. Dịch vụ làm tóc, spa, thẩm mỹ viện được mở cửa hoạt động trở lại. Riêng vũ trường, massage, karaoke, quán bar tiếp tục dừng hoạt động.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu tất cả công dân ra, vào tỉnh đều phải khai báo y tế thông qua phần mềm ứng dụng hoặc đến trạm y tế cấp xã. Người ngoài tỉnh trên 18 tuổi đến Bạc Liêu nếu chưa tiêm vaccine hoặc chỉ mới một liều thì bắt buộc phải đến trạm y tế khai báo trực tiếp.
“Những trường hợp này phải di chuyển về nhà hoặc nơi cư trú để chịu sự giám sát, theo dõi sức khỏe theo chế độ tương đương F1”, quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu quy định.
Trước đó, gần 100 chủ quán ăn, uống đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu “kêu cứu”, mong muốn được phục vụ khách tại chỗ. Theo một chủ quán, ảnh hưởng dịch Covid-19 nên họ cùng chung tay với chính quyền đóng cửa cơ sở kinh doanh từ tháng 5/2021. Sau hơn nửa năm ngưng hoạt động, chủ quán không còn khả năng đóng tiền thuê mặt bằng, tiền lãi ngân hàng và chi phí mưu sinh của gia đình.
“Rất nhiều hàng quán chúng tôi buộc phải trả mặt bằng, phá sản, nhân viên mất việc làm phải bỏ quê đi tỉnh khác. Chúng tôi rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất”, một chủ quán chia sẻ.