Hàng quán ở công viên 23 tháng 9 vẫn hoạt động sát thời điểm di dời
Thứ bảy, 27/4/2019 06:22 (GMT+7)
06:22 27/4/2019
Dù thời điểm phải di dời do UBND TP.HCM đưa ra chỉ còn vài ngày nhưng các cơ sở kinh doanh ăn uống, cà phê... vẫn đang hoạt động bình thường tại công viên 23 tháng 9.
Công viên 23 tháng 9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) nằm giới hạn giữa các tuyến đường Lê Lai, Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão và vòng xoay Quách Thị Trang có diện tích hơn 9 ha, gồm 3 khu A, B, C.
Cuối năm 2016, một phần khu A, đoạn bên vòng xoay Quách Thị Trang được giải tỏa để xây dựng nhà ga ngầm của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Lâu nay, công viên là được ví như một trong những "lá phổi xanh" của Sài Gòn, thu hút người dân thành phố và du khách vui chơi, thư giãn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, công viên 23 tháng 9 bị chia cắt, sử dụng sai mục đích, diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 8/2018, UBND TP.HCM ra lệnh chấm dứt cho thuê ở đây. Việc di dời các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại đây phải kết thúc trước 30/4/2019 để xây dựng lại theo quy hoạch.
Động thái này được đưa ra nhằm lập lại trật tự bởi hiện có nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, thiếu kiểm soát trong xây dựng, khai thác công viên. Đặc biệt nhất là tại khu B, nơi có các hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ... làm thay đổi công năng của công viên và gây ùn ứ giao thông.
Sân khấu Sen Hồng nằm ở khu B, rộng gần 6.000 m2, xây dựng năm 2013. Sân khấu chính đặt trên hồ nước, phòng chiếu phim, khán đài phục vụ cùng lúc 700 khán giả sẽ phải di dời để xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt.
Hiện trạng toàn bộ mặt bằng sân khấu trở thành bãi giữ xe hai bánh. Một phần diện tích bên đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Thị Nghĩa mọc lên các quán cà phê. Phía sau sân khấu là công trình trung tâm thương mại dưới lòng đất, mặt trên là nhà hàng, quán bar...
Trung tâm thương mại dưới lòng đất đầu tiên ở TP.HCM được xây dựng từ năm 2017, có quy mô 11.000 m2 với một nửa diện tích làm bãi giữ xe ngầm còn lại là tổ hợp ăn uống, thời trang, mua sắm. Theo kế hoạch di dời, hoạt động khai thác ở trung tâm thương mại này được phép duy trì đến khi chuẩn bị khởi công dự án cải tạo công viên.
Sau khi công viên 23 Tháng 9 được xây dựng hoàn chỉnh, toàn bộ phần trên mặt đất sẽ được sử dụng đúng chức năng là công viên cây xanh, mặt nước, không được tổ chức triển lãm, hội chợ, mua bán kinh doanh bên trong.
Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM (nằm ở cuối khu B), công trình thuộc diện đầu tiên để về đường Lý Chính Thắng (quận 3) hiện vẫn hoạt động.
Bến xe buýt với diện tích hơn 18.000 m2 của khu C tạm thời vẫn duy trì đến khi triển khai xây dựng công viên theo quy hoạch được duyệt.
Bên cạnh các công trình hiện hữu, các cơ sở kinh doanh thương mại làm thu hẹp diện tích công viên. Một phần mặt bằng của khu B được các đơn vị cho thuê để tổ chức thường xuyên hội chợ, triển lãm, ca nhạc... làm mất chức năng vốn có của nơi đây.
Các khu A và B có 3 bãi giữ xe hai bánh chiếm diện tích khá lớn, thường xuyên chật kín xe cộ.
Xung quanh, nhiều điểm tập kết, trung chuyển rác gây mất mỹ quan, bốc mùi hôi thối.
Công viên 23 tháng 9 là một trong những điểm có cảnh quan nhếch nhác, xuống cấp, an ninh không đảm bảo, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Những tủ điện, viễn thông, bờ tường... ở khu vực này đều bị vẽ hình nham nhở.
Từ chiều đến đêm, hàng quán ăn uống bày hàng, bàn ghế mua bán nhốn nháo từ bên trong lẫn vỉa hè công viên.
Vị trí công viên 23 tháng 9 ở quận 1. Ảnh: Google Maps.
UBND TP.HCM đã duyệt nhiệm vụ thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực công viên 23 tháng 9 với quy mô diện tích đất khoảng 16 ha.
Căn cứ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM 930 ha đã được phê duyệt năm 2012, khu vực công viên 23 tháng 9 được xác định chức năng là công viên cây xanh, công trình văn hóa và quảng trường; công trình ngầm 4 tầng gồm bãi đậu xe và khu thương mại dịch vụ; không gian ngầm kết nối với không gian ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành dưới quảng trường Quách Thị Trang và tầng hầm các công trình cao tầng lân cận.
"Sau khi thu hồi, TP sẽ thiết kế toàn bộ công viên thành khu vực đi bộ, phục vụ cho người dân và du lịch", ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM nói.
Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã ký kết 16 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 286,3 triệu USD. Các đơn vị ký kết 17 thoả thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Bỉ.
Chiều 22/12, trong chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc.