Theo SCMP, số lượng các phần tử thánh chiến bị ngăn chặn khi cố gắng xâm nhập vào Trung Quốc gia tăng đáng báo động trong năm 2017. Phát biểu tại một diễn đàn về quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc Ji Zhiye cho biết nước này đang đối mặt nguy cơ lớn từ các cuộc tấn công khủng bố.
"Số phần tử thánh chiến bị bắt gần biên giới Trung Quốc đã tăng 10 lần trong năm qua", ông Ji nói.
Ông Ji cho biết khoảng 30.000 phần tử thánh chiến từng chiến đấu tại Syria đã rời khỏi chiến trường này sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bị đánh bại. Trong đó, khoảng 5.000 phần tử được đào tạo bài bản tại Syria là người Duy Ngô Nhĩ và không ít kẻ đang tìm đường trở về Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.
Một số phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ (giữa) trong hàng ngũ tổ chức IS. Ảnh: Sofrep. |
Trong bối cảnh liên minh quốc tế đang thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, các tổ chức khủng bố có thể sẽ chuyển trọng tâm hoạt động từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác gần Trung Quốc.
Các phần tử cực đoan đang trở về Tân Cương, Trung Quốc qua biên giới Pakistan. Đồ họa: RFA. |
Chuyên gia từ Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc nhận định tình hình an ninh bất ổn tại Afghanistan và Pakistan có thể ảnh hưởng tới Tân Cương, mở ra con đường cho các phần tử thánh chiến xâm nhập vào Trung Quốc, từ đó lan tỏa ra các khu vực khác tại Đông Á.
Để đối phó với làn sóng các phần tử cực đoan, Trung Quốc đã thiết lập nhiều cơ chế chống khủng bố với Afghanistan, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng nhiều lần gây sức ép yêu cầu Thái Lan và Indonesia bàn giao những phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ bị các chính quyền sở tại bắt giữ.
Các cuộc tấn công của những phần tử cực đoan từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc. Cảnh báo an ninh trước mối de dọa khủng bố tại nước này gia tăng hơn nữa từ năm 2015 khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vươn vòi bạch tuộc tới Trung Á và Đông Nam Á, thiết lập các căn cứ tại Philippines và Indonesia.