Nhiều khẩu hiệu được 2.500 người Phần Lan giơ cao trong cuộc biểu tình ngày 15/7, như “Đưa nhân quyền vĩ đại trở lại”, “Tạo hòa bình, không tạo chiến tranh”. Lá cờ cầu vồng của cộng đồng LGBT cũng xuất hiện để phản đối những chính sách kỳ thị tại Nga.
Cuộc biểu tình “Helsinki vẫy gọi!” ngày 15/7 tập trung vào các vấn đề nhân quyền, dân chủ, quyền tự do ngôn luận, bình đẳng và người nhập cư. Ảnh: AP. |
Tổng cộng khoảng 16 cuộc biểu tình dự kiến diễn ra tại Helsinki trong hai ngày 15-16/7. Thị trưởng Helsinki Jan Vapaavuori cho biết ông không lo ngại về các cuộc biểu tình, khẳng định biểu tình tại nước này luôn diễn ra trong hòa bình.
“Tôi sẽ còn lo lắng hơn nếu người dân không chuẩn bị biểu tình”, ông nói.
Helsinki từng đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Cựu tổng thống Mỹ George H. W. Bush và lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev cũng từng gặp mặt tại đây để thảo luận chiến tranh Iraq - Kuwait. Năm 1997, Helsinki tiếp tục đăng cai hội nghị đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Bill Clinton và Boris Yeltsin về kiểm soát vũ khí và mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo dự kiến, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin sẽ thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, khủng hoảng tại Ukraine và cuộc chiến Syria trong hội đàm ngày 16/7.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Putin, cũng là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra từ năm 2009. Lần gần nhất ông Trump và ông Putin gặp nhau là tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ xấu nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Moscow hiện chịu hàng loạt biện pháp cấm vận kinh tế và trừng phạt ngoại giao từ Washington do hoạt động của Nga tại Ukraine, Syria cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.