Theo New York Times, ông Trump từng nhiều lần trấn an người dân Mỹ rằng chính quyền liên bang sẵn sàng chuyển máy thở tới các bệnh viện đang vật lộn với dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Tuy nhiên, Nhà Trắng "phớt lờ" chuyện 2.109 máy thở đã bị xác định là hỏng hóc sau khi hợp đồng bảo trì kho dự trữ máy thở của chính phủ hết hiệu lực hồi mùa hè năm ngoái. Một vụ tranh chấp hợp đồng khiến Agiliti, hãng bảo trì mới, mãi đến cuối tháng 1 mới làm việc theo thỏa thuận mới 38 triệu USD.
Khi đó, dịch Covid-19 đã bắt đầu tấn công nước Mỹ. Câu chuyện chỉ bị đưa ra ánh sáng khi quan chức các bang phản ánh tình trạng một số máy thở họ nhận được không hoạt động và Bộ Y tế Mỹ phải mở cuộc điều tra.
Sự trì hoãn này có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng cho các thiết bị cứu sinh đang được săn lùng của chính quyền toàn liên bang hiện nay. Đáng nói, một loạt máy thở kém chất lượng được báo cáo gần đây ở nhiều bang.
CÁc bệnh viện của Mỹ đều đang khan hiếm máy thở trầm trọng. Ảnh: Reuters. |
Những chiếc máy phức tạp
"Giữa lúc hợp đồng ban đầu hết hạn và lúc chúng tôi thắng thầu, không rõ bên nào chịu trách nhiệm bảo hành thiết bị. Không phải là chúng tôi", CEO Agiliti Tom Leonard cho biết.
Theo thỏa thuận bảo mật thông tin với chính phủ Mỹ, ông Leonard cho biết không thể cung cấp cụ thể số lượng máy thở công ty ông đang bảo hành. “Chúng tôi không hề đụng vào chiếc máy thở nào đã được đưa tới các bệnh viện”, ông nói.
Máy thở là những thiết bị rất phức tạp, đến mức Tổng thống Trump mô tả việc sản xuất chúng giống như “chế tạo xe hơi”. Và cũng giống như ôtô, các thiết bị này cần được bảo trì thường xuyên thay vì bị bỏ xó trong kho chứa.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các bệnh viện Mỹ đang lúc nước sôi lửa bỏng, phải giành giật mua máy thở lại phải nhận từ chính phủ liên bang những chiếc máy đã cạn pin, thiếu ống oxy và bị hỏng nhiều bộ phận.
Bang California nhận lô 170 máy thở bị hỏng dù Bộ Y tế Mỹ khẳng định tất cả máy thở do Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) vận chuyển đều hoạt động tốt. Bộ Y tế sau đó giải thích một số máy chỉ bị vấn đề về pin bên ngoài.
Bang California nhận 170 máy thở hỏng hóc từ chính phủ liên bang. Ảnh: AP. |
Hôm 1/4, chính quyền liên bang tiết lộ kho dự trữ thiết bị y tế liên bang đã gần cạn kiệt. Fema đã chuyển 26 triệu khẩu trang phẫu thuật, 11,6 triệu khẩu trang kháng khuẩn và hơn 5 triệu tấm che mặt.
Chính sách thiếu rõ ràng của Nhà Trắng đẩy các bang và thành phố Mỹ vào một cuộc đua để giành mua vật tư y tế, đẩy giá thiết bị tăng vọt. Trước dịch, mức giá trung bình của mỗi khẩu trang kháng khuẩn ở Mỹ chỉ khoảng 0,85 USD. Tuy nhiên, cuộc tranh giành nghẹt thở nhất xoay quanh máy thở.
Các bang đề nghị được cấp hoặc mua hàng chục nghìn máy thở trong khi chính phủ Mỹ chỉ có 9.400 chiếc trong kho dự trữ. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang có sẵn 1.065 máy thở, nhưng các thiết bị này cần có đào tạo đặc biệt để sử dụng và cũng không phổ biến.
Phụ thuộc vào nguồn bên ngoài
Ông Aric Vacchiano - Phó chủ tịch Vyaire Medical, một trong những hãng cung cấp máy thở cho kho dự trữ liên bang - cho biết công ty của ông nhận được hàng trăm cuộc gọi đặt hàng từ chính quyền các bang. “Họ đang xoay sở theo mọi hướng", ông Vacchiano mô tả.
Vyaire chịu trách nhiệm bảo hành một số máy thở trong kho dự trữ liên bang cho đến khi hợp đồng hết hạn hồi tháng 8/2019. Công ty này đâm đơn kiện khi hợp đồng bảo hành được trao cho Agiliti. Tranh chấp kéo dài mãi đến tháng 1, và cuối cùng Agiliti được giao quyền bảo trì máy thở trong kho liên bang.
Bộ Y tế Mỹ không trả lời chất vấn về giai đoạn máy thở trong kho liên bang không được bảo trì. Cơ quan này chỉ cho biết đã thúc đẩy tiến độ hợp đồng với Agiliti để cung cấp 2.109 máy còn lại vào ngày 30/4.
Tính đến sáng 1/4, FEMA đã chuyển khoảng 7.000 máy thở đến một số bang, trong đó có 4.000 chiếc tới New York. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ giữ số thiết bị còn lại trong kho dự trữ để phòng khi có thêm điểm nóng dịch bệnh phát sinh.
Không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền liên bang, từng bang đều chật vật tự trang bị máy thở bằng mọi cách. Chính quyền các bang đặt mua thiết bị ồ ạt từ các nhà sản xuất trong nước và phát hiện ra rằng các hãng đều đặt dây chuyền sản xuất ở nước ngoài như Trung Quốc, Ireland, Thụy Sĩ và một số nước khác.
Phần lớn các nhà sản xuất máy thở đều đặt dây chuyền sản xuất ở nước ngoài. Ảnh: New York Times. |
“Chúng tôi đang cực kỳ thiếu thốn thiết bị”, Thống đốc bang Connecticut Ned Lamont bức xúc khi trả lời phỏng vấn CNN hồi đầu tuần. “Có những lô máy thở sắp được giao cho chúng tôi, nhưng vào phút cuối FEMA chuyển hàng đến bang khác được cho là điểm nóng đáng lo ngại hơn”.
Bang Illinois yêu cầu 4.000 máy thở và chỉ nhận được 450 chiếc. New Jersey muốn 2.300 máy và chỉ nhận 300. Virginia cần 350 máy và chưa có chiếc nào. Illinois xin Phó tổng thống Mike Pence 4.000 chiếc nhưng ông Pence trả lời bang này không cần nhiều máy đến thế.
Ở thời điểm này, các bang tại Mỹ buộc phải giành giật bất cứ mối nào có sẵn, từ chuyển đổi máy gây mê thành máy thở, tạo ra các van mới bằng máy in 3-D để nhiều bệnh nhân dùng chung một máy… Các phương án này đều chưa được thử nghiệm trên diện rộng và có thể dẫn tới những rủi ro.