Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng miễn thuế sân bay Việt Nam - miếng bánh ngon ít người giành

Với lượng khách qua các cảng hàng không Việt Nam năm 2018 đạt hơn 50 triệu, miếng bánh kinh doanh hàng miễn thuế đang ngày càng hấp dẫn và nhiều tay chơi đang muốn gia nhập.

Việc thị trường hàng không ngày càng trở nên nhộn nhịp với sự gia nhập của Bamboo Airways và nhiều hãng mới đang xếp hàng chờ bay đang khiến các sân bay Việt Nam ngày một đông đúc.

Thị trường hàng không bùng nổ trong khi hệ thống cửa hàng miễn thuế Việt Nam còn rất sơ khai khiến đây trở thành miếng bánh ngon nhưng vẫn ít doanh nghiệp khai thác.

Sasco hưởng miếng lớn

Là doanh nghiệp độc quyền lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất trong nhiều năm qua, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), công ty con của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chính là đơn vị hưởng lợi lớn khi sân bay này quá tải.

thi truong hang mien thue san bay viet nam anh 1
Sasco của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang ăn nên làm ra nhờ ngành hàng không Việt bùng nổ. Ảnh: Hoàng Hà.

Với việc sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động tới 135% công suất, Sasco liên tục ghi nhận lãi lớn. Gần nhất là trong quý II/2019 vừa qua, các hoạt động kinh doanh chính của công ty này như bán hàng miễn thuế tại sân bay, phòng chờ và các dịch vụ phụ trợ hàng không khác đều tăng trưởng mạnh, qua đó giúp doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.

Trong 3 tháng quý II, Sasco ghi nhận gần 702 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế đạt hơn 325 tỷ đồng (tăng 15 tỷ); doanh thu phòng chờ sân bay đạt 122 tỷ đồng (tăng 24 tỷ); doanh thu hoạt động khác cũng tăng 29 tỷ, đạt gần 163 tỷ đồng

Tổng doanh thu tăng trưởng trong khi giá vốn chỉ tương đương mức cùng kỳ giúp lợi nhuận gộp quý II của Sasco tăng 24%, đạt gần 350 tỷ đồng.

Trong 4 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế của Sasco luôn duy trì tăng với năm 2015 đạt 11,6 tỷ đồng, năm 2016 đạt 234,11 tỷ đồng, năm 2017 đạt 290,3 tỷ đồng và kỷ lục là năm 2018 với 341,1 tỷ đồng.

Sasco tăng mạnh lợi nhuận vào năm 2016 là nhờ sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Imex Pan Pacific Group (IPP), một “ông lớn” trong kinh doanh hàng miễn thuế và xa xỉ phẩm. Doanh nghiệp này đã hỗ trợ Sasco tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế cũng như giảm bớt hàng tồn kho.

Năm 2016, lãnh đạo công ty từng chia sẻ tốc độ tăng trưởng doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế chủ yếu nhờ lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015.

Cổ đông lớn nhất của Sasco hiện vẫn là ACV với hơn 49% vốn. Tuy nhiên, nhóm cổ đông có liên quan gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn - bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà - hiện cũng sở hữu trên 45% vốn doanh nghiệp này.

Cá nhân ông Hạnh Nguyễn cũng đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Sasco từ giữa năm 2017, còn bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Hạnh Nguyễn) cũng là một trong 4 thành viên còn lại của HĐQT công ty.

Khối ngoại muốn có phần

Ngoài Sasco đang ghi nhận lợi nhuận lớn trong mảng kinh doanh hàng miễn thuế, nhiều doanh nghiệp nội khác cũng đang ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận, dù còn khiêm tốn về quy mô.

Cụ thể, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (Nasco) đã ghi nhận lợi nhuận liên tục, dù không lớn, trong giai đoạn 2015-2018. Lợi nhuận sau thuế của Nasco dao động trong khoảng 20,5 đến 29,3 tỷ đồng trong 4 năm gần nhất và năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 26,5 tỷ đồng.

thi truong hang mien thue san bay viet nam anh 2
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngoại bắt tay với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc tự mở hệ thống cửa hàng miễn thuế sân bay của riêng mình. Ảnh: JDV.

Một tay chơi khác cũng tham gia kinh doanh hàng miễn thuế tại nhiều sân bay nội là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air). Cuối năm 2018, Taseco Air đã hoàn tất việc mua lại 49% phần vốn góp của Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux - Taseco (JDV) từ Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long (Taseco).

Qua đó, Taseco Air đã bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay. Đối tác Jalux đến từ Nhật Bản của doanh nghiệp này hiện đang kinh doanh 5 cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam trong đó có 3 cửa hàng tại ở khu cách ly đi và đến của Nhà ga Quốc tế Sân bay Nội Bài và 2 cửa hàng miễn thuế ở khu cách ly đi, nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng.

Tương tự như Nasco, Taseco Air cũng ghi nhận lợi nhuận liên tiếp trong 4 năm gần nhất, tăng dần từ 34,9 tỷ đồng vào năm 2015 lên mức 51,4 tỷ đồng vào năm 2018. 

Có thể thấy các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế tại các sân bay Việt đều đang có tình hình kinh doanh tăng trưởng tốt. Đây là lý do khiến các ông lớn trong ngành này từ nước ngoài không muốn bỏ qua thị trường Việt Nam.

Gần nhất vào cuối tháng 7/2019, Lotte Duty Free đã mở cửa hàng miễn thuế thứ 3 ở Việt Nam tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), đặt tham vọng doanh thu 168 triệu USD sau 10 năm.

Đây là cửa hàng miễn thuế thứ 3 của Lotte tại Việt Nam, sau cửa hàng tại sân bay Đà Nẵng năm 2017 và sân bay Cam Ranh năm 2018. Doanh nghiệp này cũng dự tính mở thêm một cửa hàng miễn thuế ở trung tâm thành phố Đà Nẵng trong năm 2019 và tại các địa điểm du lịch khác ở Việt Nam.

Một ông lớn nước ngoài khác là King Power Traveler từ Hong Kong cũng đã bắt tay với Vietnam Airlines để ra mắt cửa hàng miễn thuế Lotushop từ tháng 10/2018. Tập đoàn King Power đến từ Hong Kong có thế mạnh trong ngành bán lẻ hàng miễn thuế và đang vận hành nhiều hệ thống cửa hàng miễn thuế tại các sân bay khắp châu Á và châu Âu.

Hãng bay mong muốn trong 5 năm hợp tác, đối tác từ Hong Kong sẽ giúp hệ thống cửa hàng miễn thuế Lotushop nâng tầm về dịch vụ và hiệu quả kinh doanh, từ đó có thị phần nhất định trong miếng bánh hàng miễn thuế đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm