Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng may mặc Việt phụ thuộc hệ thống phân phối như Big C ra sao?

Trao đổi với Zing.vn, các nhà cung cấp cho biết ngoài chiết khấu trên giá bán lẻ, họ còn chịu thêm nhiều khoản chiết khấu, chi phí khác khi phân phối hàng hóa qua kênh siêu thị.

Theo quy trình thông thường, các nhà cung cấp sẽ tự tìm đến siêu thị để chào hàng. Đối với một số sản phẩm thiết yếu hoặc đặc biệt, siêu thị mới chủ động liên hệ đơn vị cung cấp. 

Sau khi các hệ thống siêu thị xét duyệt mẫu mã sản phẩm, chất lượng và quy trình sản xuất, hai bên sẽ thương lượng hợp đồng với nhiều điều khoản ràng buộc, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ chiết khấu. 

Chiết khấu cao, chi phí nhiều

Tỷ lệ chiết khấu khác nhau giữa các nhà cung cấp phụ thuộc vào độ lớn mạnh của thương hiệu và doanh thu bán lẻ. Do đó, trung bình hàng năm, tỷ lệ chiết khấu này sẽ tăng thêm 0,25-0,5%, các nhà cung cấp cho biết.

Đặc biệt, vừa qua, hệ thống Big C gây xôn xao khi đưa ra mức chiết khấu trong hợp đồng năm 2019 tăng thêm đến 5% so với năm 2018 đối với một số nhà cung cấp.

Chia sẻ với Zing.vn, một đơn vị sản xuất đồ lót ghi nhận mức chiết khấu 15% tại chuỗi siêu thị Big C, trong khi một thương hiệu may mặc khác lại khẳng định chiết khấu lên tới 30% giá bán lẻ.

Khi được hỏi về “phí bôi trơn” như thắc mắc của một số độc giả, nhiều nhà cung cấp khẳng định không có trường hợp này xảy ra, hoặc nếu có thì chỉ một số “món quà tinh thần nhỏ”.

“Với những trường hợp làm khó như hàng bán tốt nhưng không đặt thêm, hay quá trình nhập hàng và bày bán lâu thì chúng tôi mới bắt buộc dùng đến biện pháp này. Nhưng tôi thấy không phải nhân viên nào hay siêu thị nào cũng vậy. Đó chỉ là một số con sâu làm rầu nồi canh”, một đơn vị sản xuất cho biết.

chi phi khi ban hang trong sieu thi anh 1
Tại Big C, tổng cộng tất cả chi phí, chiết khấu chiếm khoảng 40-50% doanh thu bán hàng của các nhà cung cấp. Ảnh: Trương Khởi

Tuy nhiên, hàng hóa phân phối trong siêu thị vẫn phải chịu rất nhiều loại chiết khấu và chi phí khác.“Chúng tôi phải chi thêm chiết khấu hàng tháng cho trung tâm thu mua, cửa hàng và tập trung đơn hàng, chưa kể chiết khấu cho các chương trình khuyến mãi, sinh nhật, hỗ trợ phát hành thẻ thành viên cho siêu thị hay thuê nhân viên tiếp thị, quầy kệ”, một nhà cung cấp hàng may mặc cho nhiều hệ thống siêu thị cho biết.

"Chiết khấu trong các chương trình khuyến mãi thường khá cao, nhưng không chạy khuyến mãi, không lên catalogue thì rất khó bán được hàng nên chúng tôi phải chấp nhận", một nhà cung cấp khác cho biết thêm.

Ở siêu thị Big C - một trong những hệ thống đưa ra mức chiết khấu cao nhất theo ghi nhận của nhiều nhà cung cấp, tổng cộng tất cả chi phí, chiết khấu chiếm khoảng 40-50% doanh thu bán hàng.

“Một sản phẩm công ty tôi làm ra nếu đến tay người tiêu dùng với giá 100.000 đồng thì tôi chỉ còn nhận được khoảng 46.000 đồng nữa”, chị D. - một nhà cung cấp chia sẻ.

Phụ thuộc kênh phân phối

Mặc dù Big C được đánh giá là hệ thống đưa ra mức chiết khấu cao nhất trên thị trường, đây vẫn là kênh phân phối lớn mà đa số nhà cung cấp không thể bỏ qua.

“Chẳng ai muốn quá phụ thuộc vào một siêu thị, nhưng rõ ràng Big C kinh doanh tốt. Lượng sản xuất của chúng tôi còn chưa đủ cho nhu cầu tiêu thụ tại Big C thì làm sao đem đi chào hàng nhiều hệ thống khác được”. Chị D. nêu rõ, các hệ thống siêu thị khác thường xuyên trả lại hàng, nhưng Big C hiếm khi xảy ra trường hợp đó.

Các đơn vị sản xuất khác cũng cho biết sức tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Big C rất tốt vì hệ thống phân phối lớn và rộng khắp, lại thường xuyên thực hiện khuyến mãi. Chính vì thế từ nhiều năm nay, nếu được nhận đơn hàng từ Big C thì hoạt động kinh doanh sẽ rất ổn định. 

Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nêu quan điểm, nhà nước cần có hình thức khuyến khích và hỗ trợ nhiều hơn để các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển hệ thống và hiệu quả kinh doanh. Khi đó, tình trạng “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” như hiện nay sẽ khó xảy ra hơn.

chi phi khi ban hang trong sieu thi anh 2
Không chỉ sở hữu hệ thống nhiều siêu thị, Big C còn được nhiều nhà cung cấp đánh giá dẫn đầu về lượng tiêu thụ nhờ chính sách "giá luôn luôn thấp". Ảnh: Quỳnh Danh

Vừa qua, ngày 2/7, Central Group - đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị Big C Việt Nam thông báo tạm ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam vào hệ thống để xem xét tái cấu trúc ngành hàng. Điều này làm dấy lên lo ngại về tỷ lệ hàng Việt trong các siêu thị ngoại trong thời gian sắp tới.

Hiện tại, dù Central Group đã mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung cấp nhưng mỗi tuần chỉ đặt hàng 2 lần vào các ngày thứ 2 và thứ 5, thay vì hầu như mỗi ngày như trước đây. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ xem xét mở lại đơn hàng cho 100 nhà cung cấp nữa.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Central Group Việt Nam cho biết việc tái cấu trúc chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng hàng hóa buôn bán tại Big C. Thay vì chỉ tập trung vào phân khúc giá rẻ như thời gian qua, Big C sẽ làm việc lại với các đơn vị sản xuất để cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng.

'Không luật pháp nào buộc Big C ưu ái hàng Việt'

Là đối tác kinh doanh, lẽ ra Big C nên đưa ra lộ trình dừng hợp tác rõ ràng và cụ thể. Nhưng dưới góc độ doanh nghiệp, Big C có quyền đưa ra chiến lược hợp pháp để thu lợi nhuận.

'Siêu thị Việt muốn mua hàng may mặc từ nhà cung cấp của Big C'

Một số đơn vị cung cấp hàng may mặc cho biết đã có nhiều hệ thống bán lẻ Việt Nam ngỏ ý thu mua sản phẩm của họ khi Big C tạm ngừng nhập nhằm ủng hộ hàng Việt.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm