ProPublica - cơ quan báo chí điều tra phi lợi nhuận có trụ sở tại New York - đã công bố chi tiết “kho dữ liệu khổng lồ của Sở Thuế vụ Mỹ” bao gồm hoạt động khai thuế của hàng nghìn người Mỹ giàu có nhất, bao gồm Warren Buffett, Jeff Bezos, Mike Bloomberg và Elon Musk, trong hơn 15 năm qua.
ProPublica cho biết “chỉ khi nhìn thấy bằng chứng rõ ràng, công chúng mới hiểu được thực tế hệ thống thuế quốc gia diễn ra như thế nào”. ProPublica đồng thời không tiết lộ nguồn tin của vụ rò rỉ.
Thông qua chiến lược tránh thuế hợp pháp, 25 người giàu nhất nước Mỹ chỉ đóng 13,6 tỷ USD tiền thuế thu nhập liên bang từ năm 2013-2018. Trong khi đó, giá trị cổ phiếu và nhiều tài sản khác của họ vẫn tăng, kéo theo đà tăng trong khối tài sản cá nhân. Ước tính tổng giá trị tài sản của nhóm này lên tới 401 tỷ USD.
"Việc công bố bản khai thuế của công dân sẽ dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư dù nhằm bất kỳ mục đích gì", tỷ phú Mike Bloomberg khẳng định. Ảnh: BBC. |
Trong phiên điều trần của Uỷ ban tài chính Thượng viện, Charles Rettig - Uỷ viên IRS - nói rằng Sở Thuế vụ đã mở cuộc điều tra để tìm nguồn gốc của vụ rò rỉ. Bên cạnh đó, Charles Rettig cũng tiết lộ những thông tin nhạy cảm về hoạt động đóng thuế của các tỷ phú, được cho là “mối quan tâm của mọi công dân Mỹ”.
Theo Financial Times, Mike Bloomberg - cựu thị trưởng thành phố New York - cam kết sử dụng “mọi biện pháp hợp pháp” để tìm căn nguyên của vụ rò rỉ. Đồng thời, Bloomberg phản bác lập luận của bài báo cho rằng ông đóng thuế ít. Ông khẳng định đã “tuân thủ nghiêm ngặt các văn bản pháp lý và tinh thần luật pháp” cũng như phân phối 75% thu nhập hàng năm cho hoạt động đóng thuế và từ thiện.
“Việc công bố bản khai thuế của công dân sẽ dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư dù nhằm bất kỳ mục đích gì”, Financial Times dẫn lời Mike Bloomberg. “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương tiện pháp lý để tìm ra cá nhân hay tổ chức chính phủ đứng sau vụ rò rỉ và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm”, Bloomberg khẳng định.
Vụ rò rỉ xảy ra trong bối cảnh một số đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ việc đánh thuế vào tổng tài sản của những người Mỹ giàu có nhất, thay vì tập trung vào thu nhập hàng năm như trước.
Elizabeth Warren - thượng nghị sĩ Mỹ từ Massachusetts - đã ban hành luật áp dụng mức thuế 2% đối với những cá nhân có giá trị tài sản ròng trên 50 triệu USD và khoản phụ phí 1% đối với khối tài sản trên 1 tỷ USD vào mùa xuân này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden không ủng hộ thuế tài sản này. Ông đề xuất tăng thuế suất đối với lãi vốn và cổ tức của những doanh nhân có thu nhập trên 1 triệu USD.
Sau khi nắm được báo cáo của ProPublica, Warren Buffett đăng tải trên Twitter rằng đã đến lúc “giới siêu giàu phải đóng phần thuế tương ứng”. Bloomberg và Buffet là 2 trong số những tỷ phú kêu gọi việc tăng thuế đối với giới siêu giàu Mỹ trong nhiều năm qua.
Morris Pearl - Chủ tịch Patriotic Millionaires, nhóm ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với giới tỷ phú Mỹ - lập luận “về cơ bản giới siêu giàu Mỹ có thể chọn nộp thuế hoặc không”. Bên cạnh đó, báo cáo của ProPublica có thể thúc đẩy sự ủng hộ mà nhóm hướng tới.
“Dù trong giai đoạn đại dịch, những người giàu có nhất nước Mỹ vẫn hưởng lợi. Tuy nhiên, họ không chia sẻ một cách công bằng những gì họ nhận được”, Ron Wyden - Chủ tịch Uỷ ban tài chính Thượng viện - nhận định.