Theo Wall Street Journal, năm 2018, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) kiện CEO Elon Musk và hãng xe điện Tesla vì các dòng tweet bị cho là gian lận của vị tỷ phú. Vụ việc sau đó được giải quyết với số tiền 40 triệu USD và những thay đổi trong quản trị của công ty.
Cùng với đó là một thỏa thuận yêu cầu bất cứ dòng tweet nào CEO Tesla đăng lên đều phải được phê duyệt trước. Hồi đầu năm 2020, SEC chỉ trích hãng xe điện Tesla và CEO Elon Musk "vi phạm các điều khoản của thỏa thuận dàn xếp sửa đổi năm 2019" trên.
Các quan chức SEC nhắm vào dòng tweet đăng ngày 1/5/2020 của Musk. Khi đó, tỷ phú này viết rằng giá cổ phiếu Tesla "quá cao". Sau khi dòng tweet đó được đăng, vốn hóa của Tesla bốc hơi 13 tỷ USD.
Các dòng tweet liên quan đến Tesla của Elon Musk phải được phê duyệt trước khi đăng. Ảnh: Getty Images. |
Phản ứng mạnh
Cơ quan quản lý Mỹ cũng điểm các tweet của Musk từ năm 2019. Tại đó, ông thảo luận về sản lượng điện mặt trời áp mái mà không cần người được ủy quyền duyệt trước.
Các nhà phân tích nhận định chính sách giám sát truyền thông như vậy chưa từng có trong luật lệ tài chính. Việc hạn chế một CEO giao tiếp với công chúng và nhà đầu tư dường như chỉ làm tăng thêm sự thù ghét của Musk và Tesla.
"Musk rất gắn bó với công ty. Bất cứ hành động cưỡng chế nghiêm khắc nào đối với ông ta đều có khả năng gây hại cho công ty và các cổ đông", ông David Rosenfeld, từng làm việc tại SEC, hiện giảng dạy tại Đại học Bắc Illinois, nhận định. "Chúng sẽ phản tác dụng. Musk 'đùa với lửa' vì biết rằng bản thân có thể thoát khỏi nó", ông nói thêm.
Các nhà quản lý cho biết Tesla không bao giờ tuân theo sự giám sát. Musk vẫn tiếp tục đăng tweet theo cách mà SEC cho rằng "vi phạm chính sách theo lệnh của tòa án". Nhiều cổ đông thích thú với việc Musk sẵn sàng đối đầu với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, không ít người cảm thấy mệt mỏi.
Năm 2018, Musk bị kiện vì đăng tweet rằng ông sẽ đưa giá cổ phiếu công ty lên 420 USD/cổ phiếu và "đảm bảo nguồn vốn" cho thương vụ. Ảnh: Reuters. |
Ông Ross Gerber - Giám đốc điều hành Gerber Kawasaki Wealth and Investment Management, một cổ đông của Tesla - cho biết ông muốn ban giám đốc công ty vào cuộc để kiểm soát hành vi của Musk trên Twitter. "Tôi thấy thất vọng vì sự thiếu giám sát và khó chịu bởi dường như Musk cảm thấy anh ta miễn nhiễm với mọi lời chỉ trích về các hành vi của mình", ông nhận xét.
SEC có thể trở lại tòa án liên bang và yêu cầu thẩm phán xét xử Musk vì vi phạm thỏa thuận. Cơ quan quản lý cũng có khả năng dừng thỏa thuận và tiếp tục vụ kiện gian lận đối với CEO Tesla. Theo Wall Street Journal, không có lựa chọn nào hấp dẫn.
Tháng 4/2019, SEC và Tesla đã đồng ý thu hẹp danh sách các mục cần thiết phê duyệt trước. Thỏa thuận đầu tiên yêu cầu giám sát bất cứ phương tiện liên lạc bằng văn bản nào đối với cổ đông. Tuy nhiên, thỏa thuận sau đó chỉ yêu cầu phê duyệt những tweet của Musk về sản lượng, các mục tiêu và vấn đề tài chính.
Hết lựa chọn
"SEC cần cẩn thận để không đi quá xa và ngăn một giám đốc điều hành chia sẻ thông tin hữu ích với thị trường", chuyên gia Donald Langevoort, một giảng viên luật chứng khoán tại Đại học Georgetown, nhận định.
"Tôi cho rằng bất cứ ai - từ thẩm phán, SEC đến hội đồng quản trị của Tesla - đều mong 'khóa miệng' Musk. Nhưng họ muốn nhường nhiệm vụ giải quyết cho người khác", ông nói thêm.
SEC cũng không muốn kiện tụng. Do đó, họ không còn nhiều lựa chọn. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, hồi năm ngoái, các quan chức cấp cao của SEC đã quyết định ngừng thảo luận với Tesla. Bởi cơ quan tin rằng điều đó không hiệu quả.
Theo bà Urska Velikonja, giáo sư luật tại Đại học Georgetown, SEC còn một vũ khí khác là tìm cách cấm Musk làm giám đốc của một công ty đại chúng. Hình phạt đó khá phổ biến.
Tôi cho rằng bất cứ ai - từ thẩm phán, SEC đến hội đồng quản trị của Tesla - đều mong "khóa miệng" Musk. Nhưng họ muốn nhường nhiệm vụ giải quyết cho người khác
Giảng viên luật Donald Langevoort thuộc Đại học Georgetown
Tuy nhiên, điều kiện là người bị cấm đã vi phạm luật chống gian lận và không thích hợp để đảm nhận vai trò lãnh đạo.
Trong năm tài chính 2019, SEC đã áp dụng đối với 32 trường hợp. Tháng 3/2018, nhà sáng lập Elizabeth Holmes của startup xét nghiệm máu Theranos bị cấm đảm nhận vai trò giám đốc trong vòng một thập kỷ.
Nhưng Theranos là một công ty tư nhân, trong khi Tesla là công ty đại chúng với nhiều cổ đông đại chúng. Các luật sư cho biết việc cấm Musk có thể làm tổn hại đến triển vọng tương lai và giá trị thị trường của hãng xe điện, từ đó gây tổn hại tới cổ đông.
Theo Wall Street Journal, nếu không có thêm những cáo buộc gian lận mới nhắm vào Musk, các nhà quản lý sẽ không thử cách này. "SEC không muốn dính dáng đến việc đó", bà Velikonja nhận định.