Sau một cuộc họp kéo dài 6 phút tại công ty, cô Portia Twidt đã xin thôi việc. Theo Bloomberg, cô nhận công việc hồi tháng 2 sau những lời hứa hẹn về làm việc từ xa. Nhưng sau đó, cô Twidt liên tục bị thúc giục phải đến văn phòng.
Cách đây vài tuần, cô mặc quần áo, đưa hai con đến nhà trẻ, lái xe tới văn phòng và xin thôi việc. Khi dịch Covid-19 giảm dần và nhiều người tiêm vaccine hơn, các công ty muốn đưa mọi người trở lại văn phòng. Và điều đó trái ngược với mong muốn của những nhân viên đã coi công việc từ xa là một bình thường mới.
Các công ty từ Google, Ford Motor Co. đến Citigroup Inc. đã hứa hẹn sẽ linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành vẫn công khai ca ngợi việc có mặt ở văn phòng. Một số thậm chí còn cho rằng làm việc từ xa làm giảm sự hợp tác và văn hóa công ty.
Nhiều nhân viên muốn làm việc từ xa để tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí và có thể chăm sóc gia đình. Ảnh: Reuters. |
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Tuy nhiên, đối với các nhân viên, một năm qua đã cho thấy rằng công việc có thể được thực hiện ở bất cứ đâu. Họ không phải tốn thời gian di chuyển trên những chuyến tàu cao tốc đông đúc. Nhiều nhân viên đã nghỉ việc. Một số khác lo ngại về virus và các đồng nghiệp chưa tiêm vaccine.
Đối với cô Twidt, nhiều ông chủ, nhất là những người thuộc thế hệ xa lạ với làm việc từ xa, đang mong muốn giành lại quyền kiểm soát các nhân viên của mình. "Họ cảm thấy chúng tôi sẽ không làm việc nếu họ không thấy chúng tôi", cô nói thêm.
Vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận môi trường làm việc hậu đại dịch sẽ ra sao. Chỉ khoảng 28% nhân viên văn phòng tại Mỹ quay lại văn phòng, theo chỉ số của 10 khu vực tàu điện ngầm do công ty Kastle Systems tổng hợp.
Nhiều công ty vẫn nới lỏng các chính sách trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát hồi tháng 5 với 1.000 người trưởng thành Mỹ cho thấy 39% sẽ cân nhắc nghỉ việc nếu công ty không linh hoạt trong việc làm việc từ xa.
Theo cuộc thăm dò của Morning Consult, đối với những người lao động thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z, tỷ lệ đó là 49%.
Không cần di chuyển là lợi ích hàng đầu của làm việc từ xa. |
Theo một cuộc khảo sát của FlexJobs với hơn 2.100 người được công bố vào tháng 4, không phải di chuyển và tiết kiệm chi phí là những lợi ích hàng đầu của làm việc từ xa. Hơn 1/3 số người được hỏi cho biết họ tiết kiệm được ít nhất 5.000 USD mỗi năm nhờ làm việc từ xa.
Anh Jimme Hendrix, 30 tuổi, một nhà phát triển phần mềm tại Hà Lan, đã thôi việc sau khi công ty đưa nhân viên trở lại văn phòng. "Trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19, tôi thực sự bắt đầu biết rằng mình thích làm việc tại nhà đến mức nào", anh chia sẻ.
Anh hiện làm công việc tự do và hỗ trợ bạn gái phát triển kinh doanh nghệ thuật. Trước kia, anh Hendrix thường mất 2 giờ mỗi ngày để di chuyển. Giờ đây, cặp đôi đang cân nhắc bán ôtô và chuyển sang xe đạp.
"Tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn trong nhà và không phải đợi đến 8h tối nữa", anh chia sẻ.
Nghỉ việc hàng loạt
Theo phó giáo sư Anthony Klotz tại Đại học Texas A&M, các ông chủ có lập trường cứng rắn nên cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thiếu hụt lao động. "Nếu bạn là chủ doanh nghiệp và tin rằng mọi thứ đang trở lại bình thường, bạn có thể đúng, nhưng điều đó khá rủi ro", ông nhận định.
Bà Alison Green - nhà sáng lập trang web tư vấn Ask a Manager - cho biết nhiều người đã gọi cho bà với tâm lý e ngại về việc quay lại. Họ lo các đồng nghiệp chưa được tiêm chủng và những biện pháp phòng ngừa Covid-19 tại công ty.
Một số cho biết họ đang tìm việc làm tại các công ty cẩn trọng với virus, hoặc cho phép người lao động làm việc ở bất cứ đâu. Bà Green cho rằng một số thứ thực sự mất đi khi làm việc từ xa, chẳng hạn cơ hội hợp tác hoặc học hỏi. "Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cần nhiều cuộc thảo luận hơn là kết luận: 'Chỉ có thể làm việc tốt khi đến văn phòng'", bà nói thêm.
Sau khi chủ của anh Gene Garland, 24 tuổi, nói với các nhân viên rằng họ cần trở lại văn phòng, hai người đồng nghiệp thân thiết của anh đã nộp đơn từ chức.
Họ nói rằng sẽ không còn làm việc từ xa nữa. Và các đồng nghiệp của tôi bắt đầu rời đi
Gene Garland, 24 tuổi
"Họ nói rằng sẽ không còn làm việc từ xa nữa. Và các đồng nghiệp của tôi bắt đầu bỏ đi", anh đăng tweet. Hàng trăm người đã lên kế hoạch hoặc dự định nghỉ việc. Anh Garland cho biết không có kế hoạch nghỉ việc nhưng vẫn thông cảm cho các đồng nghiệp.
"Làm việc trong một tòa nhà thực sự hạn chế thời gian của bạn hơn rất nhiều. Nhiều người sợ cứ làm việc, làm việc và làm việc cho đến khi chết", anh nói thêm.
Cô Twidt cũng đã có được một công việc mới vào thời điểm nộp đơn từ chức. Cô chuyển sang một công ty có trụ sở tại Washington.
Theo cô Twidt, nhà tuyển dụng đã tìm đến cô và hỏi phải làm gì để cô nhận lời mời làm việc. Cô Twidt trả lời rằng thích 100% làm việc từ xa. "Họ nói: 'Chúng tôi sẽ đáp ứng bạn ngay lập tức'", cô kể lại.