Hàng loạt sứ quán Mỹ lao đao vì cơn thịnh nộ của người Hồi giáo
Vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Libya làm Đại sứ Stevens thiệt mạng chưa kịp lắng xuống thì Washington đã phải đối mặt với hàng loạt vụ tấn công khác nhằm vào cơ quan ngoại giao của nước này ở Ai Cập, Yemen, Morocco, Sudan, Bangladesh và Tunisia.
Bốn người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương là hậu quả của cuộc đụng độ giữa cảnh sát, lực lượng an ninh Yemen và người biểu tình tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Sana’a. Cũng giống như ở Ai Cập và Libya, người Hồi giáo tức giận tấn công cơ quan ngoại giao Mỹ nhằm phản đối bộ phim nói xấu nhà tiên tri Mohammed của một đạo diễn người California.
Người biểu tình đập phá cơ quan ngoại giao Mỹ tại Yemen. |
Trước đó, 200 người bị thương khi cảnh sát Ai Cập nỗ lực đẩy lui vụ tấn công bằng đá của người biểu tình vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn kịp đập phá và xé nát quốc kì Mỹ trong vụ tấn công sứ quán ngày trước đó, cùng thời điểm với vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya làm Đại sứ Christopher Stevens cùng 3 đồng nghiệp tử nạn.
Những cuộc biểu tình phản đối cũng đang xảy ra trước cơ quan đại diện của chính phủ Mỹ tại Morocco, Sudan, Tunisua và Bangladesh. Trong khi đó, khoảng 500 người Iran cầu nguyện “cái chết tới Mỹ” đã cố gắng tập hợp trước Đại sứ quán Thụy Sĩ, cơ quan bảo vệ quyền lợi của người Mỹ tại Tehran sau khi Washington chấm dứt quan hệ ngoại giao với Iran vào năm 1979. Tại Iraq, người biểu tình Hồi giáo liên tiếp tuần hành trên đường phố Baghdad, đốt quốc kỳ Mỹ.
Mỗi cuộc biểu tình riêng lẻ trên khắp các quốc gia Hồi giáo kéo theo sự tham gia của hàng trăm người. Tuy không phải là hành động có tính tổ chức nhưng người biểu tình các nước liên kết với nhau bởi sự sùng bái và nỗi tức giận khi niềm tin bị xâm phạm. Sự bất kính từ phương Tây đối với niềm tin sâu thẳm của người Hồi giáo tiềm ẩn những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra.
Tổ chức Anh em Hồi giáo đang nắm quyền tại Ai Cập vừa lên tiếng kêu gọi “một triệu người tuần hành” trên các tuyến phố thủ đô Cairo sau buổi cầu nguyện trưa ngày thứ sáu. Hành động đó khiến chính phủ các nước thuộc thế giới Hồi giáo đang chuẩn bị tinh thần nhằm ứng phó với những cuộc biểu tình quy mô lớn kèm theo sự manh động của những người tham gia.
Đại sứ quán Mỹ tại Cairo, Ai Cập bị đốt phá. |
Cụ thể, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã hoãn chuyến công du tới Na Uy để chỉ đạo lực lượng an ninh đối phó với những mối đe dọa đang ngày càng rõ rệt. Trong khi đó, Nigeria và Philippines đang nỗ lực tăng cường an ninh bên ngoài các sứ quán nước ngoài nhằm phản ứng kịp thời trước những cuộc biểu tình có thể nổ ra.
Để xoa dịu người biểu tình đang tức giận, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng chỉ trích bộ phim bôi nhọ nhà tiên tri Mohammed. “Với người Mỹ và cá nhân tôi, video này thật kinh tởm và đáng khiển trách. Dường như nó được sản xuất với mục đích bôi nhọ tôn giáo và kích động giận dữ”, bà Clinton cho biết khi nhắc đến đoạn phim gây làn sóng giận dữ trong thế giới Hồi giáo.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ còn khẳng định: “Chính phủ Mỹ hoàn toàn không có liên quan gì tới đoạn video này. Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn nội dung và thông điệp mà nó truyền tải”.
Hồng Duy
Theo Infonet