Cơn khủng hoảng đang diễn ra cho thấy sự thiếu kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với một góc khuất trong ngành tài chính. Lời hứa hẹn về lãi suất cao của các sàn cho vay trực tuyến đã thu hút nhiều người đổ tiền mong kiếm nhiều lời hơn so với đầu tư vào ngân hàng truyền thống.
Một giám đốc dự án xây dựng tại Bắc Kinh, 28 tuổi, nói với CNN rằng đã đầu tư hơn 40.000 USD vào sàn cho vay Tourongjia.com. Tuy nhiên, tháng trước, trang web này bất ngờ bị sập.
“Phản ứng đầu tiên của tôi là mất niềm tin. Tôi không thể tin được trang web bị sập. Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải chấp nhận sự thật đó”, nhà đầu tư giấu tên cho biết khoản tiền bị mất gồm cả tiền tiết kiệm của cha mẹ anh, tiền vay mượn từ bạn bè và tiền quỹ anh định dùng để mua căn hộ cho gia đình.
Cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ việc. Hồi tháng 7, thông báo từ chính phủ cho biết lãnh đạo công ty Tourongjia biến mất, 13 nghi phạm đã bị bắt giữ. Đường dây điện thoại của công ty này không còn hoạt động. Giới chức khuyên các nhà đầu tư bị thiệt hại trình báo cảnh sát càng sớm càng tốt.
Biến tướng lừa đảo
Những trang web như Tourongjia được biết đến là sàn cho vay ngang hàng hay còn gọi là P2P (peer-to-peer). Trên toàn thế giới, hình thức P2P của Trung Quốc hiện phát triển mạnh nhất, tổng các giao dịch trị giá lên tới hơn 190 tỷ USD.
Đây là dạng dịch vụ trung gian, cho phép người đi vay, như các doanh nghiệp nhỏ, mượn tiền dễ dàng hơn bởi hệ thống ngân hàng Trung Quốc thường thiên vị doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn lớn. Nhiều người cho vay đặt số tiền tiết kiệm cả đời vào các trang web này với hy vọng thu lãi lên tới 20%/năm, cao gấp nhiều lần lãi ngân hàng.
Nhờ đó, sàn cho vay online trở thành một nguồn cho vay tín chấp thay thế và nhanh chóng bùng nổ, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Nhà đầu tư Trung Quốc bị thiệt hại biểu tình hôm 6/8. Ảnh: Getty. |
Ban đầu, chính phủ Trung Quốc khuyến khích dạng thức cho vay P2P. Tuy nhiên, theo Brock Silvers, giám đốc công ty tư vấn đầu tư Kaiyuan Capital tại Thượng Hải, các hoạt động cho vay đều được kiểm soát lỏng lẻo, “trở thành nam châm thu hút gian lận và tội phạm”. Một số sàn cho vay hoạt động bất hợp pháp, sử dụng tiền của người dân vào việc kinh doanh riêng hoặc đầu tư bất động sản.
“Lĩnh vực P2P phát triển mạnh mẽ trong những năm qua nhưng nó đã đạt giới hạn”, Dong Ximiao thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân, nhận định. “Trung Quốc hiện có hơn 3.000 trang web cho vay P2P nhưng chỉ khoảng 1% hoạt động theo quy định”.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực làm sạch nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro tài chính bằng cách thắt chặt các quy định. Tuy nhiên, chiến dịch điều tra mở rộng đã làm xáo trộn lĩnh vực cho vay trực tuyến, khiến nhiều trang web liên tiếp đổ sập như domino.
Công ty theo dõi tài chính Wangdaizhijia cho biết từ tháng 5 đến tháng 7, số các sàn cho vay P2P đóng cửa tăng từ 28 lên tới 218 công ty. Theo báo cáo gần đây do các chuyên gia an ninh tài chính mạng của chính phủ công bố, riêng trong nửa đầu năm 2018, 721 công ty đã biến mất.
“Giới chức xử lý nghiêm túc hơn bởi họ nhận ra rằng vấn đề này đang bành trướng ngoài tầm kiểm soát”, Andrew Collier, giám đốc tại công ty nghiên cứu tài chính Orient Capital ở Hong Kong, cho hay.
Tổng số các sàn cho vay P2P đã bị sập theo số liệu của Yingcan. Đồ họa: Bloomberg. |
Trong khi đó, nhà đầu tư lâm vào tình cảnh khó khăn. Giám đốc dự án xây dựng kể với CNN rằng anh nghĩ khoản đầu tư tại Tourongjia là an toàn vì trang web này có vẻ đã được chính phủ chấp thuận.
Truyền thông Trung Quốc từng đăng hàng loạt bài báo đưa tin về những cuộc gặp giữa lãnh đạo công ty và quan chức địa phương tại Hàng Châu, nơi Tourongjia đặt trụ sở. Các quan chức đã tới thăm văn phòng công ty này và thậm chí còn tham dự tiệc chiêu đãi.
Tại Thượng Hải, nhiều người cho rằng chính phủ phải chịu một phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng. Wang Chung, 38 tuổi, cho biết chị mất 140.000 USD sau khi sàn cho vay trực tuyến Jinyinmao phá sản.
“Jinyinmao có quảng cáo trên đài truyền hình quốc gia và nói rằng được doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ. Chính quyền đã không giám sát các trang web phạm pháp”, chị chia sẻ thêm “gia đình tôi đang tan nát”.
"Người tị nạn tài chính"
Sau vụ phá sản của Tourongjia, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư sẽ được đền bù.
“Tại Trung Quốc, luật chỉ bảo vệ một bộ phận nhỏ, không phải chúng tôi, những người thuộc đa số”, giám đốc dự án xây dựng chịu thiệt hại trong vụ khủng hoảng nói với CNN.
Người này cùng với nhiều nạn nhân mất tiền trong những trường hợp tương tự đang cố gắng kiến nghị lên chính quyền, nhưng dường như biện pháp này không hiệu quả. Ngày 6/8, cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Ủy ban Điều tiết Chứng khoán tại Bắc Kinh nhanh chóng bị cảnh sát dập tắt. Theo lời nhân chứng kể với SCMP, cảnh sát đã điều động số lượng lớn xe buýt, buộc hàng trăm người biểu tình rời khỏi thủ đô.
“Cảnh sát đàn áp chúng tôi, những nạn nhân”, Huanglalashengzhiji nói với Inkstone. “Chúng tôi có quyền nói lên sự thật. Chúng tôi chỉ muốn lấy lại tiền”. Chị cho biết đã mất 100.000 USD vì trang web cho vay Zhuaqianmao. Khi trang web này sập vào tháng trước, lãnh đạo công ty đã bỏ trốn.
Nhiều xe buýt được điều động để buộc người biểu tình rời khỏi Bắc Kinh. Ảnh: New York Times. |
“Chính phủ sẽ không hỗ trợ ai đâu. Tôi sẽ rất ngạc nhiên” nếu họ làm thế, Collier nhận định. Ông dự đoán sau cuộc khủng hoảng hiện tại, ngành tài chính Trung Quốc sẽ càng được củng cố tập trung xung quanh những ngân hàng lớn.
Ngân hàng trung ương không phản hồi yêu cầu bình luận về thiệt hại của nhà đầu tư. Cơ quan này trước đó cho biết sẽ trừng trị thẳng tay những bên cho vay gian lận, đồng thời kêu gọi các cơ quan chính phủ hỗ trợ nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về các khoản vay nợ và rủi ro.
Trong lúc đó, bất chấp nguy cơ bị tạm giam, thậm chí là bỏ tù, nhiều người mất tiền cho biết họ sẽ không chịu thua.
Một người kinh doanh trong lĩnh vực y tế, 36 tuổi, giãi bày đã mất trắng 200.000 USD với trang web Tourongjia. Người này cũng nói với CNN rằng nhiều cuộc biểu tình dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra.
“Chúng tôi cần đấu tranh vì quyền lợi của mình. Cuộc đời tôi đã tiêu tan. Tôi giờ giống như người tị nạn tài chính vậy”, nhà đầu tư giãi bày.