Một ngày năm 2018, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong (HKU) phát hiện một bệnh nhân kỳ lạ. Người đàn ông 56 tuổi này vừa mới trải qua một ca ghép gan, và đang cho thấy chức năng gan bất thường mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Các xét nghiệm cho thấy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân phản ứng với viêm gan E, nhưng bác sĩ không thể tìm thấy chủng virus gây bệnh (HEV) trong máu của người này, theo bài viết của CNN.
Khu chung cư Choi Wan ở Hong Kong, nơi phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus HEV chuột vào năm 2018. Ảnh: AFP. |
Phát hiện gây chấn động
Viêm gan E là một bệnh gan có khả năng gây sốt, vàng da và phình gan. Virus gây bệnh chỉ lưu hành ở 4 loài động vật và vào lúc đó, chỉ có 1 loài có khả năng lây bệnh cho con người.
Với các xét nghiệm HEV ở người âm tính, các bác sĩ đã thiết kế lại quy trình chẩn đoán, và lần đầu tiên trong lịch sử, phát hiện virus gây bệnh viêm gan E ở chuột trên người.
"Đột nhiên, chúng ta có một loại virus có thể nhảy từ chuột sang người", tiến sĩ Siddharth Sridhar, nhà vi trùng học tại HKU, người phát hiện ra sự việc, nhận định.
Đây là một ca bệnh bất thường và chưa từng có tiền lệ, tới nỗi nhóm nghiên cứu phải đặt câu hỏi liệu sự việc chỉ có thể xảy ra duy nhất một lần vì bệnh nhân đã ở "không đúng chỗ, không đúng lúc" hay không.
Nhưng những ca bệnh như vậy tiếp tục xuất hiện.
Kể từ nghiên cứu lần đầu vào năm 2018, đã có thêm 10 người Hong Kong dương tính với virus HEV ở chuột. Ca bệnh gần đây nhất được phát hiện vào hai tuần trước: một người đàn ông 61 tuổi có chức năng gan bất thường và cho kết quả dương tính với virus viêm gan E ở chuột hôm 30/4. Tiến sĩ Sridhar cho rằng có thể tồn tại hàng trăm bệnh nhân khác chưa được phát hiện.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), chủng viêm gan E ở người thường lây truyền qua ô nhiễm phân của người bệnh với nguồn nước. Nhưng virus ở chuột đã đặt ra một câu hỏi mới, vì không ai biết những bệnh nhân này bị nhiễm virus như thế nào.
Trong 2 năm kể từ khi phát hiện, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chính xác đường lây truyền từ chuột sang người. Họ đặt ra các giả thiết như bệnh nhân uống nước bị ô nhiễm, hoặc tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm - nhưng không có gì chắc chắn.
Bệnh nhân 61 tuổi khiến giới chức và các chuyên gia y tế cực kỳ bối rối, vì không có chuột hay phân chuột trong nhà người này. Không ai khác trong gia đình ông có triệu chứng và ông cũng không có lịch sử đi du lịch trong thời gian gần đây.
"Dựa trên các thông tin dịch tễ học có sẵn, không thể xác định được nguồn gốc và đường lây nhiễm của bệnh", Trung tâm Bảo vệ Sức khoẻ Hong Kong (CHP) cho biết trong một tuyên bố hôm 30/4. Bệnh nhân vẫn đang được điều trị trong bệnh viện, và cuộc điều tra của CHP vẫn đang diễn ra.
Bệnh viện Queen Mary, cơ sở y tế hàng đầu Hong Kong, là nơi đang điều trị cho bệnh nhân mới nhất nhiễm virus HEV chuột. Ảnh: South China Morning Post. |
Đội ngũ nghiên cứu và giới chức thành phố đã hiểu rõ hơn về mối đe doạ sức khoẻ mới này kể từ năm 2018. Họ đã đạt được một số tiến bộ, quy trình chẩn đoán được cải thiện, và việc nâng cao nhận thức sức khoẻ của cộng đồng cũng như cảnh báo các bác sĩ về sự tồn tại của virus viêm gan E ở chuột trên người.
Các nhà khoa học cũng đang xét nghiệm ngẫu nhiên những cá thể chuột trên toàn thành phố để phát hiện các ổ dịch trước khi virus có thể lây sang người. Hiện họ đã có dữ liệu về việc có bao nhiêu chuột ở thành phố mang virus viêm gan E, và khu vực nào có nhiều chuột nhất.
Nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết, trong đó có thời gian ủ bệnh của virus HEV chuột trên người - sẽ mất bao lâu để bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau khi nhiễm. Tiếp đó, họ cũng đang tìm kiếm phương pháp điều trị thích hợp, vì loại thuốc dùng cho bệnh viêm gan E ở người không có kết quả ổn định đối với virus HEV chuột.
Và tất nhiên, ẩn số lớn nhất làm các nhà khoa học đau đầu là xác định cách thức lây nhiễm sang người của virus. Nếu không thể xác định được điều này thì việc ngăn ngừa lây nhiễm sẽ rất khó khăn - thậm chí là khiến cho các dữ liệu đã thu thập trở nên vô dụng.
Ví dụ, về mặt lý thuyết thì những người sống ở khu vực nhiều chuột có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, tuy nhiên một số bệnh nhân bị nhiễm bệnh đến từ các khu dân cư có rất ít chuột.
"Những gì chúng ta biết là chuột ở Hong Kong mang theo virus, và chúng ta xét nghiệm bệnh nhân và tìm ra virus. Nhưng cụ thể việc virus nhảy như thế nào từ chuột sang người - liệu chuột có làm nhiễm độc thức ăn của chúng ta, hay có một con vật nào khác tham gia, thì chúng ta không biết. Đó là liên kết còn thiếu", tiến sĩ Sridhar cho biết.
Mối đe doạ trong tương lai
Một giải pháp được nghĩ tới là tiêu diệt toàn bộ chuột ở Hong Kong, nhưng diệt chuột là một cuộc chiến dài, phức tạp và khó khả thi. Hiện tại, tất cả những gì giới chức có thể làm là kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay trước khi ăn, bảo quản thực phẩm đúng cách hoặc cho vào tủ lạnh, giữ cho nơi ở sạch sẽ để tránh chuột làm tổ.
Đây thậm chí cũng không chỉ là vấn đề của riêng Hong Kong, và cũng có thể việc lây nhiễm đã diễn ra từ lâu, theo các chuyên gia. Rất có thể virus HEV chuột đang lây nhiễm cho người dân New York hay Paris mà chúng ta không biết, vì không có ai đang xét nghiệm.
"Cảm giác của tôi là điều này đã diễn ra trong một thời gian dài. 2017, 2018 chắc chắn không phải là lần đầu tiên nó xảy ra trên thế giới", ông Sridhar nhận định.
Tại Hong Kong, 11 ca nhiễm được xác nhận có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, ông Sridhar cho biết. Các bác sĩ tìm ra virus HEV chuột trên các bệnh nhân này vì họ đến bệnh viện khi xuất hiện triệu chứng, hoặc vô tình phát hiện trước khi thực hiện một ca cấy ghép.
Một khu chung cư ở Hong Kong tiến hành khử trùng và kêu gọi người dân giữ vệ sinh để tránh không cho chuột sinh sống. Ảnh: South China Morning Post. |
Nhưng có thể có hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng không nằm trong số này, và vì vậy chưa được chẩn đoán, theo ông Sridhar. Nhiều người bị viêm gan E chỉ gặp các triệu chứng nhẹ và trong một số trường hợp còn không biết mình nhiễm bệnh.
Mặc dù vậy, virus có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ, đặc biệt đối với những bệnh nhân có khả năng miễn dịch yếu. Nó có thể gây bệnh viêm gan mãn tính khiến bệnh nhân bị tổn thương gan lâu dài.
Ngoài 11 trường hợp ở Hong Kong, chỉ có 1 trường hợp khác nhiễm HEV chuột được xác nhận trên toàn thế giới - là một bệnh nhân người Canada từng đến châu Phi. Ông đến bệnh viện sau khi bị nổi mề đay, buồn nôn, vàng da nặng và gan bị viêm, kết quả xét nghiệm cho thấy ông dương tính với virus HEV chuột.
Lý do duy nhất mà bệnh nhân này được phát hiện là vì các bác sĩ đã sử dụng một xét nghiệm rộng có thể phát hiện nhiều chủng virus viêm gan E.
Đây chính là vấn đề đáng lo ngại, vì hầu hết các quốc gia không xét nghiệm virus HEV chuột, vì vậy có thể đang không phát hiện những ca bệnh trong cộng đồng.
Cần có một xét nghiệm riêng biệt được thiết kế để phát hiện HEV chuột trên người, như trong trường hợp của Đại học Hong Kong. Xét nghiệm này không khó để thực hiện, nhưng nó không được áp dụng rộng rãi bởi vì gần đây không ai nghĩ rằng virus HEV chuột là mối đe doạ với con người.