Trao đổi với Zing.vn sáng 12/8, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết 25 chủ tàu thép đóng theo Nghị định 67 đang nợ quá hạn ngân hàng gần 13 tỷ đồng. Trong số này, nợ gốc hơn 8,5 tỷ đồng, lãi hơn 4,3 tỷ đồng.
Ngư dân Bình Định khắc phục sự cố tàu thép hư hỏng ở cảng Tam Quan. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Phúc lý giải, các chủ tàu không thể trả nợ vay đúng hạn cho ngân hàng là do 20 phương tiện đóng mới tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) mới bàn giao đã hư hỏng, phải nằm bờ chờ sửa chữa. Ngoài ra, hai chủ tàu làm ăn hiệu quả nhưng không chịu trả nợ và ba chủ tàu khác không có thuyền viên, tàu phải nằm bờ từ đầu năm đến nay.
Trước tình hình này, Bình Định đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành hướng dẫn kéo dài thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi vay, điều chỉnh thời gian trả nợ trong năm hoặc hướng dẫn cơ cấu nợ.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định vẫn chưa nhận hướng dẫn về xử lý nợ cho ngư dân.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định đã kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho chủ tàu thép gặp sự cố nhưng đến nay chưa có ý kiến trả lời của Trung ương. Các ngân hàng đang thống kê những khoản nợ đến hạn phải trả để làm thủ tục và thông báo cho khách hàng.
Ông Nguyễn Công Quý (ngụ huyện Phù Cát) bức xúc vì gia đình "cắm" ba sổ đỏ ở ngân hàng để vay vốn đóng tàu thép nhưng mới bàn giao đã hư hỏng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Nguyễn Công Quý (ngụ huyện Phù Cát), cho hay tàu thép hỏng nằm bờ cả năm qua khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Vợ chồng ông "cắm" 3 sổ đỏ và nhiều phương tiện cơ giới thế chấp ngân hàng vay tiền đóng tàu thép, ai ngờ lâm cảnh nợ quá hạn ngân hàng chồng chất.
"Giờ tàu không ra khơi được thì lấy gì trả nợ cho ngân hàng. Nếu doanh nghiệp chây ì kéo dài thì tôi buộc phải trả tàu thép", ông Quý nói.
Dù tàu thép đang nằm bờ ngân hàng vẫn gửi văn bản hối thúc ngư dân trả nợ. Bà Nguyễn Thị Thúy Hoan, chủ tàu thép BĐ 99029-TS than vãn gia đình bà vay 17,7 tỷ đồng đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng phương tiện mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố, nằm bờ kéo dài.
"Ngân hàng vừa gửi văn bản thúc giục gia đình tôi phải trả nợ quá hạn 590 triệu đồng. Nếu từ nay đến tháng 9 không trả nợ, ngân hàng phải siết lấy nhà, vợ chồng, con cái không biết sống ra sao những ngày tới", bà Hoan lo âu.
Đến nay, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh sách 260 chủ tàu được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Trong đó, 58 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng (57 hợp đồng đã được giải ngân với số tiền hơn 826 tỷ đồng) và 202 chủ tàu chưa ký hợp đồng tín dụng.