Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng loạt bộ, ngành bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình

16/34 bộ, cơ quan Trung ương chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 và bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình.

Sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong năm 2017 của Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ.

Đặc biệt, một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác tổng kết đánh giá và chế độ báo cáo theo quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: Không báo cáo, chậm báo cáo hoặc báo cáo không đúng yêu cầu, quy định; không đánh giá, phân tích, không có số liệu về kết quả tiết kiệm; né tránh, không báo cáo rõ về những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây lãng phí đã được phát hiện...

Cac bo nganh khong bao cao chong lang phi anh 1
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phê bình các bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay cơ quan thẩm tra đa số nhất trí với nỗ lực, quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Dù vậy, nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, có tới 16/34 bộ, cơ quan Trung ương; 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước không gửi Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho Bộ Tài chính.

Góp ý về vấn đề này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, băn khoăn vì số lượng lớn đơn vị chưa có báo cáo như thế thì đánh giá trong báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh có nơi gửi số liệu báo cáo của năm 2016, điều này thể hiện chưa nghiêm túc, dẫn đến báo cáo của Chính phủ không đầy đủ số liệu và chưa thể hiện được kết quả của công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định ngay trong hôm nay sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có chương trình, để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phê bình các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đến thời điểm này chưa có báo cáo.

"Như vậy là không chấp hành nghiêm túc. Đây cũng là nội dung giám sát của Quốc hội về thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", ông Hiển nhấn mạnh.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu xử lý kiên quyết hơn các trường hợp vi phạm, chỉ rõ "địa chỉ" trách nhiệm và công bố công khai các địa chỉ để lãng phí, thất thoát.

Tài sản bất minh của cán bộ có thể bị đánh thuế 45%

Dự án Luật Phòng chống tham nhũng đưa ra phương án nếu tài sản tăng thêm của cán bộ phải kê khai, không giải trình sẽ bị thu thuế 45%.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm