Ngay sau phán quyết của Tòa, hàng loạt tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã chính thức ban bố lệnh cấm phá thai từ ngày 25/6 và dự kiến có một nửa số bang áp dụng lệnh này, Guardian đưa tin.
Trong khi đó, một số bang khác khẳng định sẽ tiếp tục bảo về quyền được lựa chọn phá thai của phụ nữ.
Hiệu lực của lệnh cấm phá thai ở các bang của Mỹ. Đồ họa: Guardian. |
Các tiểu bang yêu cầu chấm dứt phá thai
Bang Utah là một trong những bang đầu tiên cấm phá thai, thực hiện ngay trong tối ngày Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Utah, ông Daniel McCay, người ủng hộ “luật kích hoạt” của bang, cho biết việc phụ nữ Utah tìm cách phá thai ở các bang lân cận là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, thẩm phán Tòa Tối cao Brett Kavanaugh, một trong những thẩm phán bảo thủ đã bỏ phiếu lật lại phán quyết, đã nói rằng việc một tiểu bang cấm công dân đi đến bang khác phá thai sẽ là vi hiến.
Đối với Ohio, phụ nữ tại bang này sẽ không được phá thai khi nhịp tim thai được phát hiện. Quy định này được gọi là được gọi là dự luật "nhịp tim”, cấm phá thai khi thai được 6 tuần tuổi, đã được thực hiện từ năm 2019. Ngay sau phán quyết hôm 24/6, một thẩm phán liên bang đã đồng ý xóa bỏ lệnh của Tòa án Liên bang ngăn chặn luật này trước đó.
Nhóm phản đối phán quyết Roe v Wade đang ăn mừng sau quyết định của tòa án. Ảnh: USA Today. |
Tại bang Alabama, Đạo luật Bảo vệ tính mạng con người năm 2019 đã có hiệu lực ngay sau phán quyết của Tòa án Tối cao. Việc “bất kỳ người nào cố ý thực hiện hoặc cố gắng thực hiện phá thai”, kể cả nạn nhân bị hiếp dâm và loạn luân, là bất hợp pháp trừ khi “phá thai là cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ".
Tương tự, tại Arkansas, việc Tòa Tối cao lật ngược án lệ năm 1973 đã kích hoạt luật cấm phá thai của tiểu bang ngay lập tức, ngoại trừ việc phá thai để bảo vệ tính mạng của người mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
Các cơ sở y tế tại bang này được thông báo rằng việc họ thực hiện phá thai hiện nay là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tới 10 năm tù và phạt tiền lên đến 100.000 USD.
Phòng khám phá thai duy nhất của Tây Virginia đã ngừng hoạt động phá thai vào hôm 24/6. Tiểu bang có luật xử lý tội phạm phá thai với mức án từ 3 đến 10 năm tù, nhưng vẫn chưa rõ sẽ tiến hành thi hành như thế nào sau khi có phán quyết của tòa án tối cao.
Katie Quinonez, giám đốc điều hành của Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Tây Virginia, cho biết: “Giờ đây, những người từ bang muốn phá thai sẽ bị buộc phải đi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dặm sang các tiểu bang khác để không vi phạm pháp luật".Bà nhấn mạnh trong bối cảnh như vậy, cộng đồng của những người yếu thế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Vài phút sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết vụ kiện Roe v Wade, tổng chưởng lý Missouri Eric Schmitt đã đề xuất lệnh cấm phá thai ở tiểu bang này.
Cơ quan lập pháp của bang Texas đã thông qua “luật kích hoạt” vào năm 2021, quy định rằng 30 ngày sau khi Tòa án Tối cao đảo ngược Roe v Wade, việc thực hiện phá thai ở Texas sẽ là bất hợp pháp.
Ở Arizona, các phòng khám phá thai tạm thời ngừng cung cấp dịch vụ phá thai trong khi giới chức bang đánh giá tình hình.
Những nơi vẫn bảo vệ quyền phá thai
Tại Washington, D.C., Thị trưởng Muriel Bowser tuyên bố thủ đô sẽ ủng hộ việc lựa chọn phá thai của phụ nữ, nhưng có thể chỉ trong phạm vi một khu vực chứ không phải toàn thành phố.
Đám đông biểu tình phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: AP. |
Thống đốc đảng Dân chủ của các bang California, Washington và Oregon đều tuyên bố sẽ bảo vệ quyền phá thai và giúp đỡ những phụ nữ từ các bang khác đến bờ biển phía Tây để phá thai.
Thống đốc đảng Cộng hòa ở bang Massachusetts, Charlie Baker, cũng đã ký một lệnh hành pháp để bảo vệ quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tại Bắc Carolina, thống đốc đảng Dân chủ, Roy Cooper, cũng tuyên bố sẽ bảo vệ quyền phá thai, bất chấp cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Còn ở New Mexico, công tố viên hàng đầu và người của đảng Dân chủ được đề cử cho chức bộ trưởng tư pháp, Raúl Torrez, đã kêu gọi các chính trị gia hành động nhiều hơn để bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, kể cả đối với những người đến từ các bang khác.