Việt Nam gỡ bỏ các quy định hạn chế đối với người nhập cảnh từ 15/3/2022 và khôi phục chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022. Đây được xem là các mốc thời gian quan trọng đối với hàng không quốc tế.
Hơn 7 triệu lượt khách đi và đến Việt Nam bằng hàng không trong quý I
Dù vậy, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trong quý II/2022, tốc độ hồi phục của hoạt động khai thác trên các đường bay quốc tế vẫn diễn ra chậm, dù các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế đã khôi phục phần lớn đường bay đến những thị trường truyền thống.
Dĩ nhiên, tần suất các chuyến bay quốc tế khi đó ở mức thấp, với lượng khách quốc tế chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh. Số lượng khách du lịch (bao gồm inbound và outbound) còn rất hạn chế.
Trong đó, các thị trường du lịch lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... vẫn chưa được kích hoạt do những quốc gia này còn duy trì các biện pháp phòng chống dịch. Trong khi đó, thị trường khách Nga bị đóng băng do xung đột Nga - Ukraine.
Dự kiến quý I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế xấp xỉ gần 70% so cùng kỳ năm 2019. |
Tuy nhiên, từ tháng 4 đã có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không nội địa khai thác, với tổng cộng 143 đường bay kết nối 29 quốc gia, vùng lãnh thổ, điển hình có Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á, châu Phi... với Việt Nam.
Đáng chú ý, Trung Quốc - một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam - đã mở cửa trở lại, tuy nhiên tần suất khai thác mới đạt khoảng 50% so với giai đoạn trước dịch.
Cục Hàng không Việt Nam ước tính sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế trong quý I đạt 7,1 triệu khách, xấp xỉ gần 70% so cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam), với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự đoán dịp hè 2023 thị trường hàng không quốc tế sẽ tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia mở tour du lịch từ 15/3/2023.
“Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục toàn bộ đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Ngoài ra, các hãng hàng không Việt Nam đã mở thêm đường bay mới đến các nước như Ấn Độ, Australia, Kazakstan...”, ông Thắng phân tích.
Cũng theo ông Thắng, hiện các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất đẩy mạnh khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách.
Ông Thắng cũng cho biết hoạt động khai thác quốc tế đến Việt Nam sẽ không bó hẹp ở các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mà đã được khôi phục và mở rộng ở các cảng hàng không quốc tế khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Kỳ vọng du lịch hè
Cục Hàng không Việt Nam dự kiến dịp hè 2023, hàng không quốc tế sẽ đạt 2,5-3 triệu lượt khách/tháng, với tỷ lệ hồi phục tăng dần, đạt 78-80% so các tháng cùng kỳ 2019.
“Với tốc độ trên, thị trường hàng không quốc tế sẽ hoàn toàn hồi phục như giai đoạn trước dịch vào các tháng cuối năm 2023. Tính cho cả năm 2023, dự báo thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đạt khoảng 34 triệu lượt khách, bằng xấp xỉ 84% so năm 2019”, ông Thắng cho biết.
Riêng tại Khánh Hòa, lãnh đạo Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết trong quý I đã có hơn 1.000 chuyến bay quốc tế đến Cam Ranh, trong đó 839 chuyến từ Hàn Quốc và 11 chuyến từ Trung Quốc. Đến quý II, số chuyến bay quốc tế đến Khánh Hòa dự kiến tăng gần 2.600 chuyến, trong đó 826 chuyến từ Hàn Quốc và 1.569 chuyến từ Trung Quốc.
Hàn Quốc đang là thị trường khách đến Việt Nam đông nhất đầu năm 2023. Ảnh: Tiến Phát. |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chuyên phục vụ khách quốc tế nhận định kế hoạch bay vẫn chưa tương xứng với mong muốn của ngành du lịch, đặc biệt là các chuyến bay từ Trung Quốc. Do đó, số khách quốc tế vẫn chưa đạt được con số như kỳ vọng lúc mới mở cửa.
Để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới, Việt Nam cần sớm thống nhất các chính sách cụ thể, như miễn visa hoặc nới lỏng, mở rộng chính sách visa để cạnh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore...
Đồng thời, các doanh nghiệp cho rằng cần tổ chức nhiều chiến dịch quảng bá điểm đến, trong đó tập trung các thị trường chính như Mỹ, Canada, châu Âu, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lữ hành Saigontourist, cho rằng đa phần các công ty du lịch của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nên sẽ bị hạn chế về nguồn lực dành cho tiếp thị, quảng bá. Vì vậy, thời điểm này, vai trò của Tổng cục Du lịch cần được phát huy cao hơn.
Theo ông Yên, giai đoạn 2023-2025, ngành du lịch nên chú trọng hơn vào việc ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, bên cạnh các biện pháp truyền thống để quảng bá, thu hút khách.
“Áp dụng công nghệ là con đường nhanh nhất để giới thiệu các điểm đến du lịch của Việt Nam và cần được Tổng cục Du lịch tham gia xây dựng, quản lý, phát triển một cách chuyên nghiệp. Đây cũng là kênh để cập nhật những thông tin mới nhất và chính xác nhất về các chính sách phát triển du lịch tại Việt Nam”, ông Yên bày tỏ mong muốn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...