Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng hiệu ký gửi: Mua của người chán, bán cho người cần

Các cửa hàng nhận ký gửi đồ hiệu đang mọc lên ngày càng nhiều, với vai trò trung gian có lợi nhuận, là cầu nối gắn kết người bán và người có nhu cầu mua.

Cũ người mới ta

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường đồ hiệu mới, các hình thức kinh doanh “ăn theo” đồ hiệu, như buôn bán đồ hiệu đã qua sử dụng, ký gửi hàng hiệu, cũng có những bước tiến mạnh mẽ và ngày càng được các tín đồ hàng hiệu quan tâm, ưa chuộng.

Thu Huyền (Thanh Xuân, HN) cho biết, hàng hiệu dù bình dân hay cao cấp thì chắc chắn đều có mức giá khá đắt đỏ. Tuy nhiên, như bao nhiêu món đồ thời trang khác, khi sản phẩm đã hết mốt hoặc dùng lâu quá, nhiều khi bản thân người dùng cũng muốn bán đi để có tiền tậu một món đồ hiệu khác mới hơn, hợp thời trang và xu hướng hơn. Đó là lý do, nhiều người tìm đến các shop hàng hiệu ký gửi để ký gửi quần áo, giày dép, phụ kiện cũ.

Thông thường, cửa hàng nhận đồ ký gửi sẽ kiểm tra thật kỹ món đồ của khách xem đó là hàng auth hay fake, auth 100% hay đã qua sửa chữa, làm mới. Khi khẳng định đó là hàng auth, tùy từng cửa hàng sẽ đưa ra thỏa thuận riêng với khách về khấu hao của sản phẩm. Mức phí khách chi trả cho các shop dao động từ 5 - 10% giá trị của món đồ cũ sau khi đã bán được cho chủ nhân mới.

"Săn" hàng hiệu ký gửi đang là trào lưu phát triển mạnh.

“Khi ký gửi, đa số các shop sẽ đưa cho khách biên lai biên nhận và shop sẽ chịu hoàn toàn giá trị của đơn hàng sau khi ký gửi xong. Họ sẽ chụp hình, up ảnh và marketing cho sản phẩm sao cho có thể tiếp cận với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất. Khi sản phẩm đã bán được, cửa hàng mới liên hệ với khách đến lấy tiền”, Huyền chia sẻ.

Theo chị Diệp, chủ shop Diệp Linh Sa, hàng hiệu cũ kí gửi và hàng hiệu cũ nhập về từ nước ngoài tuy đều là hàng đã qua sử dụng nhưng có một số điểm khác nhau: “Hàng nhập về từ nước ngoài thì chủ cửa hàng phải tự bỏ vốn ra, bán được lãi bao nhiêu là tùy mình, còn hàng kí gửi thì đỡ vốn hơn, mình nhận ký gửi hàng cho khách, sau khi món hàng của khách bán được cho người mới thì mình mới trả tiền cho họ. Ở shop tôi, cửa hàng sẽ có trách nhiệm spa làm sạch túi cho khách kí gửi, tìm người mua lại sản phẩm và cửa hàng sẽ cắt lại 5% trên tổng trị giá sản phẩm vừa bán ra”.

Hàng nhập từ nước ngoài về do có nguồn, công ty cụ thể nên độ tin tưởng thường cao hơn nhận hàng ký gửi. Đó là lý do tại sao khi khách tới ký gửi đồ, cửa hàng phải kiểm tra sản phẩm rất kỹ lưỡng: “Bây giờ thị trường túi fake tràn lan rất nhiều, super fake nhái tinh vi lắm, có những túi fake giống đến 90%, hoặc cũng có những chiếc túi là hàng auth nhưng lỗi và vẫn được lưu hành ra thị trường, nên nếu non trong việc kiểm định thì sẽ có nguy cơ mắc sai sót”.

Theo kinh nghiệm của chị Diệp, các hãng như Dior, LV, Chanel, khi phát hiện sản phẩm nào bị lỗi, họ sẽ hủy đi. Nhưng đối với Salvatore (Salvatore Ferragamo) do hoàn toàn làm thủ công, không thể tránh được những lỗi kỹ thuật nhỏ. Do vậy, với các khách hàng chọn Salvatore thì cũng phải chấp nhận là hàng làm bằng bàn tay con người thì sẽ phải có tỳ vết, cần phân biệt rõ điều này chứ không phải cứ có cái gì đó lệch lạc chút ít là đổ vấy đó là hàng fake, hàng lỗi.

Càng mới, càng mốt giá càng cao

Chị Nga, chủ shop đồ hiệu ký gửi Mèo Mèo (Láng Hạ, HN) thì cho biết việc mở shop ban đầu chỉ để thỏa mãn niềm yêu thích hàng hiệu của bản thân ,nên chị bán online ở nhà chứ không thuê cửa hàng riêng. Shop Mèo Mèo nhận order chủ yếu là quần áo Burberry, nếu có dịp sale hoặc có hàng outlet thì chị sẽ nhập về bán sẵn. Chị Nga nhận kí gửi tất cả các mặt hàng không như túi hiệu, kính, giày dép, quần áo… nhưng chủ yếu khách vẫn thích mua túi hiệu nhất.

Hàng hiệu ký gửi cũng chia thành nhiều loại như hàng được biếu tặng không sử dụng đến, hàng vẫn đang “sốt”, hàng lỗi mốt, hàng cũ, hàng đã qua sửa chữa… Với các loại hàng chưa sử dụng đến, hàng còn mới, nguyên tag, hàng còn đang được ưa chuộng thì giá thành sẽ cao. Hàng auth 100% nhưng kiểu dáng đã lỗi mốt, ít người muốn mua thì giá sẽ thấp hơn. Riêng hàng đã qua sửa chữa, giá sẽ thấp hơn cả, thường chỉ bằng 30 - 40% giá trị so với sản phẩm mới…

Quần áo hàng hiệu cũ cũng được nhiều người ký gửi.

“Bản thân tôi dùng hàng hiệu nhiều nên cũng có kinh nghiệm khi kiểm tra hàng auth hay fake, tôi còn hay tìm hiểu, tham khảo thêm ở các bài nói về hàng auth để có thêm kiến thức mới về hàng hiệu. Với những món đồ khách ký gửi mà kiểm tra xong vẫn không chắc chắn đó là hàng auth, tôi sẽ nhờ người quen hoặc cửa hàng khác check hộ. Cũng may là tôi kinh doanh mặt hàng này nhưng làm chủ yếu cho vui nên cũng thân thiết với các shop khác chứ không cạnh tranh gì nhiều”, chị tâm sự.

Mỗi món đồ mà khách mang tới ký gửi, khi bán xong, chị Nga được hưởng 10% trên tổng giá trị của túi. “Ví dụ em kí gửi túi, em muốn bán 27 triệu thì khi chị bán được cho người khác, em sẽ qua lấy tiền và trích lại cho chị 2.700.000 đồng”, chị giải thích thêm.

Trong quá trình kinh doanh dịch vụ này, đa số khách tới ký gửi đều giữ đồ khá tốt, đồ còn mới nên chị Nga không cần mang sản phẩm đi spa mà bày bán luôn, cái nào quá cũ hoặc có vấn đề thì chị mới đem đi spa, làm mới, thay thế, sửa chữa theo mong muốn của người ký gửi. Ở nhà trông con nhỏ và bán đồ ký gửi, trung bình chị Nga có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, tháng nào đỉnh cao, đông khách thì thu nhập cao hơn.

http://vietq.vn/hang-hieu-ky-gui-mua-cua-nguoi-chan-ban-cho-nguoi-can-d29024.html

Theo Chất lượng Việt Nam

Bạn có thể quan tâm