Người dân Mỹ đang tìm mua đồ cũ như quần áo, đồ gia dụng, thiết bị văn phòng... từ những người dùng khác thay vì tìm đến các nhà bán lẻ.
Các chuỗi cửa hàng lớn như Walmart, Target và Bed Bath & Beyond đang phải vật lộn với tình trạng dư thừa hàng hóa và sức tiêu thụ kém đối với các mặt hàng như đồ nội thất, điện tử, đồ trang trí nhà cửa và quần áo.
Tuy nhiên, theo báo cáo của sàn thương mại điện tử hàng cũ OfferUp, những mặt hàng trên lại nằm trong danh mục sản phẩm được nhiều người quan tâm trên thị trường đồ cũ.
Người Mỹ tìm mua hàng cũ để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Yoshiurara. |
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 76% các mặt hàng cũ được người dùng mua bán thuộc danh mục điện tử, đồ nội thất, đồ gia dụng, vật dụng gia đình, sản phẩm thể thao, thiết bị ngoài trời và phụ tùng ôtô”, ông Todd Dunlap, Giám đốc Công ty OfferUp cho biết.
Nhu cầu mua bán quần áo cũ và các mặt hàng khác đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Điều này xuất phát từ việc những người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennial và thế hệ Z đã có ý thức hơn về môi trường và ngân sách chi tiêu. Sau khi lạm phát ập đến, xu hướng mua bán đồ cũ càng được củng cố và phát triển.
Báo cáo do Công ty GlobalData thực hiện cho thấy 82% người Mỹ, tương đương khoảng 272 triệu người, đang mua hoặc bán đồ cũ. Đa số người tiêu dùng cho rằng lạm phát đã khiến họ gia nhập thị trường mua bán đồ cũ để tiết kiệm ngân sách chi tiêu.
“Lạm phát có ích đối với việc mua bán đồ cũ vì nó thúc đẩy thị trường cho cả phía người mua và người bán”, ông Neil Saunders, Giám đốc điều hành tại GlobalData Retail nhận định.
Về phía người mua, nhiều người chuyển sang mua đồ cũ như một cách để tiết kiệm tiền khi giá cả leo thang. Ngược lại, phía người mua sẽ kiếm thêm được tiền nhờ việc bán đồ cũ của họ.
OfferUp dự kiến thị trường mua bán đồ cũ sẽ đạt doanh số 178 tỷ USD vào năm nay, tăng từ 160 tỷ USD của năm ngoái. Doanh thu của ngành dự kiến đạt 289 tỷ USD vào năm 2027.