Thật thú vị khi biết không phải Việt Nam, tuyển Nhật Bản mới là đội bóng có hàng công tệ nhất bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Sau 4 trận, hàng công với Takumi Minamino, Yuya Osako mới có 3 lần phá lưới đối thủ. Cùng số trận đó, tuyển Việt Nam của Nguyễn Tiến Linh đã có 4 bàn.
Từng ấy có đủ để kết luận hàng công tuyển Việt Nam mạnh hơn Nhật Bản?
Hàng công tuyển Việt Nam chơi không tệ tại vòng loại thứ ba World Cup. Ảnh: IC Photo. |
Hiệu quả hàng công tuyển Việt Nam
Muốn nói đến sức mạnh hàng công, chúng ta phải xét tới tính hiệu quả. Và hiệu quả ấy phải được đo đếm bằng những bàn thắng cùng điểm số đem lại.
Trên khía cạnh đó, hàng công tuyển Nhật Bản vẫn ấn tượng. Tuyển Nhật mới ghi 3 bàn, nhưng cả 3 đều là những bàn thắng làm thay đổi cục diện trận đấu, trực tiếp mang về 6 điểm cho tập thể.
So với Nhật Bản, hàng công tuyển Việt Nam không kém cạnh khi cả 4 bàn của chúng ta cũng làm thay đổi cục diện trận đấu. Hai pha lập công trước Saudi Arabia và Oman giúp thầy trò ông Park vượt lên dẫn trước. Hai bàn trước Trung Quốc giúp chúng ta quân bình tỷ số (trước khoảnh khắc rực sáng của Wu Lei).
Chúng ta phải làm rõ khái niệm này vì một bàn thắng thay đổi cục diện trận đấu có giá trị và độ khó cao hơn nhiều những pha lập công danh dự. Và cả 4 bàn đã có của tuyển Việt Nam đều sở hữu đặc điểm ấy. Chúng đều có ý nghĩa, đều tác động tới cục diện trận đấu và suýt nữa đã mang về điểm số.
Thống kê ấy cho thấy hàng công tuyển Việt Nam chơi không tệ trong lần đầu tham dự vòng loại thứ ba World Cup. Tại bảng B, 4 bàn của tuyển Việt Nam nhiều hơn Nhật Bản, chỉ kém Oman và Trung Quốc (5 bàn). Ở bảng A, chỉ đội dẫn đầu Iran sở hữu chỉ số bàn thắng tốt hơn tuyển Việt Nam (6 bàn).
Thống kê của hàng công tuyển Việt Nam không hề tệ so với nhóm 3 đội xếp trên. Điều khác biệt nằm ở hàng phòng ngự. Ảnh: Reuters. |
4 trận đã qua, tuyển Việt Nam chỉ một lần tịt ngòi trước Australia. 4 bàn của đội tuyển được ghi bởi 3 cầu thủ khác nhau tới từ 3 tuyến (Tiến Linh, Quang Hải, Tấn Tài). Các bàn thắng này có kịch bản đa dạng, tới từ cả biên phải, biên trái lẫn trung lộ, có cả sút xa lẫn dứt điểm cận thành. Tính đa dạng đó cho thấy hàng công tuyển Việt Nam đủ mạnh, hứa hẹn những cơ sở cho HLV Park mạnh dạn thực hiện thay đổi.
Bóng đá Việt Nam đang may mắn khi sở hữu những cầu thủ tấn công chất lượng, đủ năng lực xuyên thủng mành lưới các đối thủ hàng đầu châu lục.
Lứa cầu thủ này của tuyển Việt Nam đã thể hiện điều đó xuyên suốt những năm qua, ngay từ lúc mới bước ra ánh sáng ở U23 châu Á 2018, giải đấu mà đại diện Việt Nam ghi tới 8 bàn sau 6 trận, sở hữu hàng công mạnh thứ ba giải đấu.
Khi hàng công làm tốt mà đội bóng vẫn thất bại, vấn đề rõ ràng nằm ở hàng thủ. Tuyển Việt Nam thua 10 bàn, nhiều nhất trong 12 đội dự vòng loại thứ ba World Cup. Hàng công đội tuyển tìm được đường vào khung thành đối thủ, nhưng hàng thủ thì bất lực trong việc cản đối phương làm điều tương tự.
Những kết quả vừa qua của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup phản ánh quy luật kinh điển của bóng đá: Tấn công mang tới bàn thắng, nhưng phòng ngự mới quyết định chiến thắng.
Công Phượng từng gây nhiều khó khăn cho hàng thủ toàn ngôi sao của tuyển Nhật Bản ở Asian Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Giải pháp từ hàng công
Dù vậy, năng lực tấn công đã được kiểm chứng của họ là cơ sở để hướng tới những thay đổi cho cả đội tuyển Việt Nam.
Bốn trận đã qua cho thấy phòng ngự bị động rõ ràng không phải là giải pháp toàn vẹn cho thầy trò HLV Park Hang-seo. Lựa chọn phòng ngự phản công vẫn là nền tảng, nhưng tuyển Việt Nam có thể hướng tới thứ bóng đá chủ động hơn, cân bằng hơn trong phòng ngự và tấn công. Lựa chọn ấy đang được cổ vũ bởi hỏa lực tốt từ những cầu thủ tuyến trên. Định hướng phòng ngự vẫn là chủ đạo, nhưng cách tiếp cận chi tiết là thứ đội tuyển có thể điều chỉnh.
Định hướng chiến thuật cân bằng hơn giữa phòng ngự và tấn công vừa giúp tuyển Việt Nam tận dụng được nguồn lực ở tuyến trên, vừa làm giảm sức ép cho hàng phòng ngự vốn đã lộ rõ những non nớt trong lần đầu bước tới vòng loại thứ ba World Cup.
Quan điểm về tuyển Việt Nam chủ động hơn cũng đang được ủng hộ bởi giới chuyên môn. Chia sẻ với Zing, cựu HLV U19 Việt Nam Philippe Troussier, người từng đưa Nhật vượt qua vòng bảng World Cup 2002, phân tích: “Vòng loại thứ ba là cơ hội quý báu cho tuyển Việt Nam lấy về những trải nghiệm, nhưng sẽ chỉ là trải nghiệm tích cực nếu đội tuyển chọn cách tiếp cận tích cực hơn”.
“Theo quan sát của tôi, tuyển Việt Nam hiện tại sở hữu đủ nhân sự chất lượng để tạo dựng lối chơi đa dạng và linh hoạt. Nếu tôi nhớ không nhầm, Việt Nam từng chạm trán Nhật Bản tại Asian Cup và gây ra nhiều khó khăn nhờ sự chủ động ngay từ những phút đầu tiên. Đó là yếu tố cần phát huy nhiều hơn nữa, bởi nó chứng minh tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được và thực tế từng làm tốt dưới thời HLV Park Hang-seo”, HLV người Pháp nói.
Đương nhiên, kỳ vọng đổi thay không đồng nghĩa với kỳ vọng về chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Nhật Bản hay Saudi Arabia. Trước những ngọn núi của châu Á, có lẽ chỉ vài điểm sáng của tuyển Việt Nam là đủ để sưởi ấm trái tim người hâm mộ tại Mỹ Đình.