Đặc điểm chung của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh hàng công nghệ là yếu thế hơn các tên tuổi ngoại cả về vốn lẫn thương hiệu. Tuy nhiên, với chiến lược rõ ràng và sản phẩm liên tục được cải tiến, một số doanh nghiệp cho thấy thị trường vẫn còn chỗ dành cho họ.
Có một sản phẩm công nghệ thu hút sự quan tâm của giới truyền thông là chiếc điện thoại thông minh Bphone của tập đoàn Bkav. Mặc dù phải thu hồi 3.000 điện thoại đã giao nhằm hoàn thiện hệ điều hành, phần mềm camera và nhiều lần dời thời gian giao hàng, nhưng Bphone được xem là một hiện tượng công nghệ trong nước, khi Bkav thông báo có đến gần 12.000 chiếc Bphone được đặt hàng trực tuyến sau ngày ra mắt sản phẩm này.
Hàng công nghệ luôn thu hút giới trẻ. Ảnh: Tuệ Doanh. |
Ngoài Bkav, còn có Mobiistar. Thành lập từ năm 2009, ban đầu, Mobiistar phân phối các dòng điện thoại phổ thông rồi mới đến điện thoại thông minh. Theo báo cáo tổng kết 2014 của FPT Shop, thương hiệu Mobiistar xếp thứ ba trong “top 5” thương hiệu điện thoại thông minh có doanh số bán cao nhất ở chuỗi cửa hàng này.
Bắt đầu từ những điều căn bản
Hiện nay, vấn đề của sản phẩm công nghệ Việt Nam là làm sao lấy được lòng tin của người tiêu dùng và khiến họ mua hàng, khi mà nhiều người dùng vẫn nặng tâm lý sính ngoại. Trường hợp Bkav được xem là cá biệt vì không có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cho khâu truyền thông như họ. Đối với hầu hết các doanh nghiệp khác, nhìn chung có bốn yếu tố để xác lập thị phần: Xác định đúng đối tượng khách hàng; sản phẩm liên tục cải tiến; hậu mãi chuyên nghiệp và giá cả hợp lý.
Hiện nay, vấn đề của sản phẩm công nghệ Việt Nam là làm sao lấy được lòng tin của người tiêu dùng và khiến họ mua hàng, khi mà nhiều người dùng vẫn nặng tâm lý sính ngoại.
Ông Ngô Nguyên Kha, Tổng giám đốc Mobiistar, cho biết công ty xác định khách hàng mục tiêu là những người hiểu biết công nghệ và muốn trải nghiệm sản phẩm với một mức giá hợp lý.
Về thiết kế, từ những mẫu điện thoại không có nhiều điểm nhấn, năm 2014, Mobiistar ra mắt mẫu Kim Cương Đen Prime 508 với thiết kế sang trọng, cấu hình mạnh và sử dụng camera cảm biến của Sony; năm 2015, công ty giới thiệu dòng sản phẩm Kim với thiết kế nguyên khối, chất liệu nhôm cắt CNC, ốp cường lực. Với nhiều sự cải tiến, nhưng tại thời điểm ra mắt, cả hai mẫu Prime 508 và KIM có giá chưa tới 5 triệu đồng, thấp hơn khoảng 40% so với các sản phẩm ngoại cùng phân khúc.
Song song đó, Mobiistar áp dụng các chính sách hấp dẫn đối với các đối tác bán lẻ chính như Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel... để hỗ trợ khách hàng trong khâu bán hàng và bảo hành.
Về tiếp thị và chăm sóc khách hàng, từ hai năm trước, Mobiistar đã sử dụng các công cụ truyền thông xã hội, chủ yếu là Facebook. Thời điểm đó, công ty được hưởng lợi vì tính lan truyền cao và chi phí thấp của kênh này. Hiện fanpage (trang người hâm mộ) của Mobiistar có khoảng 800.000 thành viên.
Tương tự Mobiistar là câu chuyện của GeeAudio, một dự án phát triển sản phẩm tai nghe dành cho các thiết bị di động thông minh chạy hệ điều hành Android, iOS, từ đầu tháng 7 này. Ông Mai Phú Phong, chủ cửa hàng PhonGee, cho biết việc phát triển các sản phẩm này tiêu tốn hết bốn năm cùng với khoản đầu tư 5 tỉ đồng. Ông Phong cho biết hiện một mẫu tai nghe tốt dành cho các dòng điện thoại cao cấp của Apple, Samsung... cũng đã có giá từ 800.000 đồng trở lên, nên nếu GeeAudio đảm bảo về chất lượng thì mức giá trên dưới một triệu đồng là hợp lý. GeeAudio đã mời nhạc sĩ Dương Khắc Linh tham gia chịu trách nhiệm về chất lượng âm thanh của sản phẩm.
Bên cạnh việc đầu tư cho các thành phần cấu thành sản phẩm nhà sản xuất còn tốn khá nhiều chi phí cho khâu bao bì, hộp đựng để đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ của khách hàng.
Giống như Mobiistar, GeeAudio cũng tận dụng việc tiếp thị trên Facebook để tiết kiệm chi phí. Trả lời câu hỏi làm thế nào để xóa định kiến của người tiêu dùng trong nước về các mặt hàng công nghệ thương hiệu Việt, các doanh nghiệp cho rằng không thể nóng vội mà cần phải có thời gian để khách hàng chấp nhận, trải nghiệm và tin tưởng.
Hướng đến thời trang
Bắt đầu từ dòng sản phẩm Kim, Mobiistar hợp tác với ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa trong việc phát triển hình ảnh sản phẩm. Ông Kha cho biết hiện ca sĩ này đang có sản phẩm âm nhạc tên gọi là “Phá” tiếp cận công chúng nghe nhạc pop với cách hát rock. “Chúng tôi nhận thấy nỗ lực của Khoa khá tương đồng với những gì mà Mobiistar muốn đem lại cho đối tượng khách hàng trẻ”, ông Kha nói.
Còn về GeeAudio, ông Phong cho biết nhạc sĩ Dương Khắc Linh không chỉ là đối tác mà còn là đồng sáng lập viên của dự án GeeAudio.
Theo một chuyên gia không muốn nêu tên, những việc kết hợp này nhằm giúp sản phẩm thoát khỏi cái bóng giá rẻ và hướng đến sản phẩm thời trang gần gũi với giới trẻ. Cách họ hợp tác cũng khác. Họ không sử dụng tên tuổi của nghệ sĩ để quảng bá sản phẩm mà họ cùng nhau phát triển các sản phẩm giải trí phục vụ đối tượng khách hàng chung là giới trẻ.
Trên thực tế, Oppo cũng đã áp dụng cách này và gặt hái thành công. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2013, thương hiệu Oppo gắn liền với các ca sĩ và các chương trình được giới trẻ yêu thích như The Voice, The Remix...
Theo báo cáo của IDC quý 4/2014 và 1/2015, Oppo hiện xếp thứ ba về thị phần lượng điện thoại bán ra với con số lần lượt là 10,6 và 10,4%.
Người Việt ủng hộ hàng Việt
Theo ông Vòng Thanh Cường, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Boomerang, một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực lắng nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội (bao gồm các mạng xã hội, diễn đàn, kênh tin tức...), tính từ ngày 25-5 đến nay, tổng lượng thảo luận liên quan đến Bphone là 768.542 lượt, gấp ba lần iPhone - nhãn điện thoại được đề cập nhiều nhất trước thời điểm Bphone ra mắt.
Trước khi Bkav xảy ra sự cố giao hàng, lượng phản hồi tiêu cực chiếm khoảng 36%; sau sự cố con số này đã tăng lên 58%. Tuy nhiên, phân tích từ dữ liệu của Boomerang cho biết các phản hồi tiêu cực chủ yếu đến từ những người là tín đồ công nghệ, trong khi đa số người dùng phổ thông vẫn ủng hộ Bphone.
Trước lo ngại sự cố Bphone có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ Việt Nam, ông Cường cho biết dựa trên phân tích thói quen của người sử dụng trên các công cụ truyền thông xã hội trong thời gian qua thì chưa có động thái này. “Nhìn chung, người Việt không quay lưng với hàng công nghệ thương hiệu Việt, họ vẫn ủng hộ nếu sản phẩm có chất lượng và giá cả phù hợp”, ông Cường nói.