Hầu hết người chết ở vùng ngoại ô Burnaby và Surrey của Vancouver là người già hoặc người có bệnh lý nền, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết vào ngày 29/6, theo AFP.
Một số thành phố khác cũng nói rằng họ cũng nhận được nhiều báo cáo đột tử kể từ ngày 28/6 nhưng chưa đưa ra số người thiệt mạng chính thức.
Hạ sĩ Michael Kalanj của RCMP cho biết: “Chúng tôi vẫn đang điều tra, nhưng nhiệt độ cao được cho là nguyên nhân góp phần vào phần lớn trường hợp tử vong”.
Thủ hiến tỉnh British Columbia John Horgan phát biểu trong một cuộc họp báo: “Chúng ta đang ở giữa tuần nóng nhất mà người dân British Columbia từng trải qua. Nắng nóng đã gây ra hậu quả tai hại cho các gia đình và cho cộng đồng”.
Ông kêu gọi người dân “để ý những người có thể có thể gặp rủi ro, đảm bảo rằng chúng ta có túi chườm đá trong tủ lạnh hoặc ở nơi mát nhất trong nhà”.
Một cậu bé giải nhiệt tại một đài phun nước ở Washington, Mỹ. Ảnh: AFP. |
Đợt nắng nóng kỷ lục càn quét từ bang Oregon của Mỹ đến vùng lãnh thổ Bắc Cực của Canada trong nhiều ngày nay được cho là do áp suất cao khổng lồ (hay còn gọi là vòm nhiệt) hoạt động trên khu vực Tây Bắc nước Mỹ và Canada.
Ngày 28/6, Canada xác lập mức nhiệt cao nhất mọi thời đại, lên đến 47,9 độ C ở Lytton, thuộc British Columbia, cách Vancouver khoảng 250 km về phía đông.
Vùng Vancouver trên bờ biển Thái Bình Dương đã ghi nhận nhiệt độ trên 30 độ C. Trên đất liền dọc theo đồng bằng sông Fraser, do độ ẩm cao, các nhà khí hậu học cho biết cảm giác như 43 độ C vào ngày 29/6.
Nhiệt độ ở các thành phố Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ như Portland, bang Oregon và Seattle, bang Washington cũng đạt mức cao chưa từng thấy kể từ thập niên 1940. Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS), Seattle đạt mức nhiệt 42 độ C vào tối 28/6, Portland có thời điểm đạt 46,6 độ C vào ngày 28/6.