Điều mà Israel đang đối mặt - thừa mứa vaccine dẫn đến phải tiêu hủy - là chuyện mà phần lớn quốc gia mong muốn. Theo Times of Israel, nước này đang đứng trước nguy cơ phải tiêu hủy 800.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech sắp hết hạn, nếu không bán được cho nước thứ ba trong hai tuần tới.
Truyền thông Israel cho biết lô vaccine hết hạn vào cuối tháng 7 này có giá trị hàng triệu USD.
Trong khi Israel chạy đua tìm đối tác mua vaccine, nhiều quốc gia đang mong muốn mở rộng chương trình tiêm chủng để đối phó với chủng virus Delta mới. Theo Haaretz, ít nhất 3 quốc gia đã liên hệ với Israel để mua số vaccine sắp hết hạn này.
Bên cạnh 800.000 liều đứng trước nguy cơ bị tiêu hủy, Israel dự định sử dụng 600.000 liều vaccine để tiêm cho người dân trước khi hết hạn, trong số này bao gồm 300.000 trẻ vị thành niên ở độ tuổi 12-15.
Chi tiêu hào phóng
“Liệu Israel có thực sự cần thêm 30 triệu liều vaccine Covid-19?”, báo Haaretz của nước này đặt câu hỏi ngày 30/3, khi chính phủ dự định chi hơn 1 tỷ USD để mua thêm 36 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Moderna và Pfizer-BioNTech.
Israel chấp nhận mua thừa vaccine để đề phòng tình huống bất trắc. Ảnh: PRI. |
“Lại thêm 36 triệu liều vaccine? Israel sắp phải vứt bỏ hàng triệu liều rồi”, chính tờ báo này đăng tải bài viết khác chỉ 2 ngày sau đó.
Sau các thương vụ, số liều vaccine Covid-19 được Israel đặt mua vượt quá con số 60 triệu, theo Haaretz. Con số này gấp gần 7 lần dân số Israel, ước tính khoảng 9 triệu người.
Nếu tính mỗi người tiêm hai mũi vaccine, Israel chỉ cần tối đa 18 triệu liều. Con số thực tế còn thấp hơn do một số đối tượng đặc biệt không được tiêm vaccine.
Như vậy, nước này sẽ dư thừa hơn 40 triệu liều vaccine Covid-19.
Bên cạnh việc chấp nhận trả giá cao, bí quyết của Israel để được các công ty dược phẩm ưu tiên bán vaccine là nước này sẵn sàng cung cấp dữ liệu y tế của người dân sau khi tiêm vaccine để đánh giá hiệu quả.
Tuy vậy, sự dư thừa đã gây ra mâu thuẫn giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế Israel.
Bộ Y tế muốn đẩy mạnh mua sắm vaccine để đa dạng hóa nguồn cung. Theo cơ quan này, việc mua sắm sẽ bảo vệ Israel khỏi nguy cơ châu Âu ban hành lệnh cấm xuất khẩu vaccine.
“Ở châu Âu, người ta đang tìm cách ngăn chặn xuất khẩu vaccine ra ngoài châu lục. Nếu chúng ta đã ký hợp đồng, chúng ta sẽ được bảo vệ”, ông Chezy Levy, quan chức cấp cao trong Bộ Y tế Israel, lý giải.
Trong khi đó, Bộ Tài chính tố cáo Bộ Y tế tự tiện mua vaccine mà không tham khảo trước ý kiến của cơ quan này, trái với quy định của Israel.
Một điểm tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố Tel Aviv, Israel. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính Israel, yêu cầu mua vaccine của Bộ Y tế là quá mức, lãng phí và buộc Israel ký kết hợp đồng với nhiều điều khoản không công bằng.
Các công ty dược phẩm không đảm bảo việc cung cấp vaccine để chống lại các biến chủng mới của virus, trong khi Israel có thể mất quyền tự do bán vaccine cho nước thứ ba.
Chuyển giao thất bại
Trên thực tế, Israel từng có ý định chuyển vaccine dư thừa cho nước thứ ba.
Tháng 2 năm nay, cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ý định chia sẻ hàng nghìn liều vaccine dư thừa cho Cộng hòa Czech, Hungary, Guatemala và Honduras.
Đây là các quốc gia có quan hệ tốt với Israel. Guatemala công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và mở cửa đại sứ quán tại đây năm 2018.
Honduras cũng cam kết làm điều này trong tương lai. Cộng hòa Czech cũng đang lên kế hoạch mở “văn phòng ngoại giao” tại đây. Trong khi đó, Hungary mở cửa văn phòng thương mại tại Jerusalem năm 2019.
Tuy vậy, kế hoạch của ông Netanyahu không được thực hiện trọn vẹn do vấn đề về pháp lý. Theo Haaretz, Moderna tạm dừng chuyển giao vaccine cho Israel khi biết những lô vaccine này có thể được chuyển cho nước thứ ba mà không có sự cho phép của họ.
Đến tháng 6, Israel, Palestine và hãng dược phẩm Pfizer đạt được thỏa thuận ba bên về việc chia sẻ vaccine. Theo thỏa thuận, Israel sẽ chuyển giao cho Palestine một triệu liều vaccine sắp hết hạn.
Thỏa thuận này nhận được nhiều kỳ vọng từ phía Israel. Bộ trưởng Y tế nước này Nitzan Horowitz gọi việc trao đổi vaccine là “vì lợi ý của các bên” và kỳ vọng thỏa thuận “thúc đẩy hợp tác giữa Israel và Palestine”.
Một điểm tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố Nablus, Palestine. Ảnh: France24. |
Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ sau khi thỏa thuận được công bố, chính quyền Palestine thông báo hủy bỏ thỏa thuận. Theo phía Palestine, lô vaccine mà Israel chuyển giao hết hạn sớm hơn dự kiến.
“Sau khi đội ngũ kỹ thuật kiểm tra lô vaccine đầu tiên nhận được từ Israel, chúng tôi phát hiện 90.000 liều vaccine không tương thích với các tiêu chuẩn được quy định trong thỏa thuận”, người phát ngôn chính quyền Palestine Ibrahim Melhem thông báo.
Với sự sụp đổ của thỏa thuận, Israel chưa thể giải phóng lượng vaccine dư thừa, dẫn đến việc nước này có nguy cơ phải tiêu hủy 800.000 liều vaccine hết hạn trong tháng 7 tới.
Tính đến ngày 28/6, hơn 5,5 triệu người trên tổng số 9 triệu người Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Trung bình mỗi ngày Israel tiêm chủng được cho 13.000 người.
Với tốc độ này, đến ngày 21/7, Israel sẽ tiêm đủ vaccine cho 300.000 trẻ vị thành niên như kế hoạch. Tuy vậy, họ cần được tiêm mũi đầu tiên trước 9/7 để có đủ thời gian tiêm mũi thứ hai, trước khi vaccine hết hạn vào cuối tháng 7.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett nói sẽ là “tội ác” nếu không tiêm vaccine trước khi chúng hết hạn, theo Channel 12.