Giới quan sát cho rằng các nhân viên bị sa thải trong ngành công nghệ vẫn đang được săn đón trên thị trường việc làm nói chung. Ảnh: Reuters. |
"Bão sa thải" đang càn quét lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Theo CNBC, chỉ riêng trong tháng 11, 76.835 nhân viên trong ngành đã mất việc, gần gấp đôi tháng trước đó.
Microsoft đã cắt giảm gần 1.000 việc làm vì tăng trưởng giảm tốc. Hồi tháng 11, Meta - công ty mẹ của Facebook - tuyên bố sa thải hơn 11.000 nhân sự. Trong lá thư gửi nhân viên, Mark Zuckerberg thừa nhận đây là "những thay đổi khó khăn nhất trong lịch sử của Meta".
Nhưng tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng CFO của CNBC diễn ra vào đầu tháng, chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk của KPMG đã gạt bỏ mối lo ngại về các đợt sa thải mới đây.
Vẫn được săn đón
"Tôi không lo lắng cho các nhân viên ngành công nghệ vừa bị sa thải", bà Swonk nhận định. Nhu cầu đối với những lao động tay nghề cao vẫn còn. Câu hỏi đặt ra chỉ là họ sẽ mất bao lâu để tìm được công việc phù hợp và làm việc cho công ty nào.
Họ còn một lựa chọn. Đó là làm việc cho Chính phủ liên bang.
Ông Kurt DelBene - Giám đốc thông tin của Bộ Cựu chiến binh Mỹ - cho biết nhiệm vụ của ông là thuê các kỹ sư, nhà thiết kế và những nhân tài trong lĩnh vực Internet bị Meta, Google, Twitter hay các công ty công nghệ khác sa thải.
Ông DelBene có 30 năm làm việc tại Microsoft, từng leo lên vị trí cao nhất ở bộ phận Office và đã gia nhập Bộ Cựu chiến binh Mỹ vào đầu năm nay.
Hồi tháng 11, Meta - công ty mẹ của Facebook - tuyên bố sa thải hơn 11.000 nhân sự. Ảnh: Reuters. |
Ông mong có thể thuê lại những tài năng công nghệ đã bị khu vực tư nhân sa thải. Bộ Cựu chiến binh Mỹ được vị giám đốc thông tin hứa hẹn là nơi các kỹ sư và chuyên viên thiết kế phần mềm có thể "dồn hết tâm trí cho việc thiết kế và tái thiết kế những hệ thống mới", nhằm đưa cơ quan này thành một tổ chức đặt kỹ thuật số lên hàng đầu.
"Xây dựng một phần mềm tiện lợi cho cá nhân là một chuyện. Nhưng việc tạo ra hệ thống phục vụ và chăm sóc các cựu chiến binh - những người từng quên mình để bảo vệ đất nước - là một chuyện hoàn toàn khác", ông nhấn mạnh.
Dĩ nhiên, đây không phải lần đầu tiên khu vực công cố gắng thu hút nhân tài công nghệ từ các công ty tư nhân. Trong nhiều thập kỷ, bộ máy nhà nước của Mỹ đã thiếu hụt nhân tài thông tin. Vấn đề nằm ở mức lương thấp và những rào cản về tuyển dụng, bảo mật.
Khu vực công khát nhân tài công nghệ
Ông DelBene cho biết đang tìm cách điều chỉnh. Về khía cạnh thu nhập, ông đã vạch kế hoạch nhằm thu hẹp chênh lệch giữa các công việc công nghệ thông tin trong khu vực tư nhân và khu vực công. Vị giám đốc thông tin sẽ xây dựng bảng lương đặc biệt cho những chuyên gia công nghệ thông tin.
Ông tin rằng bảng lương sẽ được Văn phòng Quản lý Nhân sự phê duyệt vào đầu năm tới. Ông DelBene cũng đang tìm cách điều chỉnh quy trình tuyển dụng để tuyển dụng các ứng viên phù hợp một cách nhanh chóng hơn.
Đó là cơ hội cho các ngành nghề khác, vốn bị tụt hậu trong chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh mạng. Giờ đây, họ có thể tuyển dụng những tài năng mà trước kia không thể
Bà Simone Petrella - Giám đốc điều hành của CyberVista
Mục tiêu trong năm tới là đưa khoảng 1.000 chuyên gia công nghệ thông tin mới vào Bộ Cựu chiến binh Mỹ. "Tôi cho rằng mình sẽ có thể tuyển những nhân sự chất lượng tốt vào các vị trí còn trống", ông nhận định.
Theo bà Simone Petrella - Giám đốc điều hành của CyberVista, một công ty đào tạo và phát triển an ninh mạng, hầu hết vị trí bị cắt giảm trong lĩnh vực công nghệ liên quan đến các kỹ năng rất dễ nhảy việc.
Dù có các kỹ năng thuần túy về công nghệ hay liên quan tới nhân sự, tuyển dụng và tiếp thị, những nhân viên bị sa thải đang được các công ty thuộc lĩnh vực sức khỏe, bán lẻ, sản xuất và tài chính săn đón.
"Đó là cơ hội cho các ngành nghề khác, vốn bị tụt hậu trong chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh mạng. Giờ đây, họ có thể tuyển dụng những tài năng mà trước kia không thể", bà nói thêm.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...