75.000 người bị lừa xem trận Việt Nam - Indonesia trên YouTube. Ảnh: Xuân Sang. |
Việc phát sóng trực tiếp AFF Cup 2022 trên các nền tảng cần được đơn vị nắm giữ bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam chấp thuận, phân phối. Do đó, chỉ có số ít kênh YouTube được phát sóng giải đấu này.
Trong khi đó, một số tài khoản nhỏ lẻ, kênh của đơn vị truyền hình khác không sở hữu bản quyền phát lại các trận đấu cũ, gây nhầm lẫn cho người xem. Cụ thể, trong lúc trận đấu giữa Việt Nam và Indonesia, thuộc lượt về, bán kết AFF Cup 2022 đang diễn ra, có hàng chục kênh YouTube mở các luồng giả, phát lại giải đấu đã kết thúc. Những video “giả” trực tiếp này thu về hàng chục nghìn lượt theo dõi, từ người xem trong nước và khu vực.
Ví dụ, kênh “Trực Tiếp Bóng Đá - ***ab” mở hai luồng phát sóng trong lúc trận bán kết trên sân Mỹ Đình đang diễn ra. Chủ tài khoản đặt tiêu đề “Trực tếp bóng đá, Việt Nam vs Indonesia, trực tiếp bán kết lượt về AFF Cup 2022”, “Trực tiếp hôm nay”, khiến nhiều người dùng lầm tưởng đây là luồng chính thức cho trận đấu đang diễn ra.
Nhiều người xem Indonesia, Thái Lan cũng bị lừa theo dõi luồng trực tiếp. Ảnh: Xuân Sang. |
Tuy nhiên, nội dung của luồng live-stream lại là trận đấu giữa U23 Việt Nam và Indonesia trong khuôn khổ SEA Games 31, đã kết thúc hồi giữa năm 2022. Đỉnh điểm, hai luồng phát sóng nói trên giúp kênh thu về hơn 75.000 lượt theo dõi đồng thời.
Ở khung bình luận, người xem vẫn liên tục bình luận về các tình huống trên sân như “Văn Lâm không đá à?”, “Việt Nam vô địch”. Ngoài người xem trong nước, còn có nhiều bình luận của các tài khoản quốc tế bằng tiếng Thái Lan, Indonesia.
Tình trạng những luồng phát sóng giả, chiếu lại bóng đá thường xuyên xuất hiện trên YouTube, nhắm đến người xem trong nước ở những trận cầu quan trọng của tuyển Việt Nam hoặc giải đấu World Cup, Euro. Hồi tháng 11, hơn 30.000 người dùng theo dõi trận đấu giữa World Cup giữa Nhật Bản và Đức bằng hình thức mô phỏng game vì tưởng là trực tiếp trên YouTube.
Tuy nhiên, việc kênh YouTube đơn vị truyền hình lớn, có xác minh chính chủ của nền tảng phát video giả trực tiếp khiến người xem càng dễ bị lừa.
Trả lời Zing, đại diện truyền hình FPT, công ty duy nhất nắm bản quyền giải, cho biết doanh nghiệp chia sẻ quyền phát sóng AFF Cup cho một số đơn vị sáng tạo nội dung trên YouTube. Đồng thời, họ không liên quan đến các kênh cố tình để tiêu đề câu dẫn người xem, phát nội dung cũ.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.