UBND quận Đống Đa, Hà Nội, vừa đề xuất di dời khoảng 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh để giảm mùi hương đậm đặc của hoa, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đây là phương án nằm trong dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng… |
Theo ghi nhận, đường Nguyễn Chí Thanh được bố trí trồng nhiều loại cây xanh khác nhau ở hai bên vỉa hè. Tuy nhiên, chiếm đa số là hoa sữa và tần suất bắt đầu dày hơn từ đoạn ngã tư Huỳnh Thúc Kháng tới cầu vượt Láng. |
Hoa sữa là cây thân gỗ nhỏ được trồng nhiều và lâu năm ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Năm 2019, gần 100 cây hoa sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ) đã được di dời tới Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (Sóc Sơn). |
Trước cổng Bệnh viện mắt Hà Nội 2 (Số 72 đường Nguyễn Chí Thanh) có đến 3 cây hoa sữa lâu năm. Thường xuyên đón khách tại đây, ông Nam (quận Nam Từ Liêm) cho rằng vào mùa hoa sữa nở, mùi hương được tỏa ra vào buổi chiều rất nồng nặc. “Người ít ngửi thấy thì còn chấp nhận được chứ người thường xuyên tiếp xúc như tôi thì cảm thấy rất khó chịu", ông bộc bạch. |
Trước ký túc xá Đại học Giao thông Vận tải, hàng cây hoa sữa được trồng dày đặc và tỏa hương khắp khuôn viên ký túc mỗi khi vào mùa. Chí Trường (sinh viên Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ, vào mùa hoa sữa, không gian tại đây sẽ có mùi thơm vừa phải khi sáng, còn về chiều lại có mùi nồng nặc. “Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lớn đến đời sống. Nếu đến mức phải di dời đi, mình cảm thấy thật sự không cần thiết”, Trường cho biết thêm. |
Sống tại tầng 2, chung cư 76 Nguyễn Chí Thanh hơn 20 năm, bà Thúy Vinh luôn cảm thấy phiền toái với mùi hoa sữa khi vào mùa nở hoa. “Nhà có ban công rộng rãi, trồng nhiều loại cây để khuôn viên mát mẻ hơn khi vào hè, nhưng vào độ hoa sữa ngoài đường nở, tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa lại, tránh mùi nồng nặc gây nhức đầu”, bà cho biết. |
Tuy nhiên đối với anh Chính, sống ở tầng 3 chung cư này, việc di dời cây hoa sữa đến nơi khác là điều phí phạm. Anh chia sẻ: “Trước kia, rất nhiều cây hoa sữa đã bị di dời đi, tôi rất thất vọng. Nếu bây giờ di dời nốt những cây còn lại ở đoạn này thì sẽ không còn một trong những đặc trưng của Hà Nội nữa”. |
Làm bảo vệ tại một cửa hàng ở số 135-137 đường Nguyễn Chí Thanh đã 7 năm, ông Trịnh Hải cho rằng những cây hoa sữa này đã xuất hiện từ rất lâu, không chỉ mang lại mùi thơm mà còn đem lại bóng mát. “Nếu bây giờ di dời đi và trồng cây khác, liệu cây nào thực sự thay thế tốt, phải sinh trưởng trong bao nhiêu năm nữa mới đủ để đem lại bóng mát như bây giờ”, ông Hải nói. |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là “vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm” nên yêu cầu thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác được người dân ủng hộ. |
Trước đề xuất của UBND quận Đống Đa, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu quận xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc di chuyển các cây có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc sau dịch chuyển. |
Trong trường hợp cây hoa sữa có trọng lượng lớn, không thể bố trí trồng lại trong công viên, vườn hoa trên địa bàn thì đề nghị UBND quận Đống Đa chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội để thống nhất vị trí trồng cố định và chăm sóc tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500 m ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn. |
Đường Nguyễn Chí Thanh đoạn từ ngã 4 Huỳnh Thúc Kháng đến cầu vượt Láng trồng rất nhiều hoa sữa ở 2 bên vỉa hè. Ảnh: Google Maps. |