Mùi hoa sữa được nhiều người yêu thích nhưng cũng gây ám ảnh cho những hộ dân ở gần loại cây này. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Nội dung trên có trong đề xuất về việc di chuyển, chặt hạ và trồng bổ sung cây xanh chỉnh trang phố Nguyễn Chí Thanh được UBND quận Đống Đa gửi Sở Xây dựng Hà Nội. Mục đích của việc di dời các cây hoa sữa là tránh mùi hương đậm đặc ảnh hưởng đến người dân.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và được người dân quan tâm.
Do đó, quận cần xây dựng lộ trình thực hiện, tính khả thi khi dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, đảm bảo khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau khi di chuyển.
Địa phương cũng được yêu cầu thông tin rộng rãi đến người dân về việc thay thế hoa sữa bằng loại cây khác được người dân ủng hộ.
Trước đó năm 2019, gần 100 gốc cây hoa sữa ven hồ Tây được công nhân bứng gốc để di chuyển về bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Phạm Thắng. |
Về việc quận Đống Đa kiến nghị di dời các cây hoa sữa vào công viên, vườn hoa do quận quản lý, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết cần xem xét, đánh giá thêm về mật độ cây trồng phù hợp để tránh mùi hoa sữa tỏa ra nồng nặc sau khi trồng.
Trường hợp có quá nhiều cây hoa sữa cần di dời và không thể trồng lại trong các công viên, quận Đống Đa trao đổi thêm với đơn vị liên quan để thống nhất vị trí khác.
Đơn vị gợi ý vị trí có thể cân nhắc là khu vực trong vùng ảnh hưởng bán kính 500 m tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Đồng thời, để tăng hiệu quả sử dụng cây xanh và tạo cảnh quan xanh, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Đống Đa nghiên cứu để không dịch chuyển cây lát hoa cũng được trồng dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh.
Đây không phải lần đầu Hà Nội di dời hoa sữa ra khỏi nội thành. Trước đó vào tháng 7/2019, gần 100 cây hoa sữa trên phố Trích Sài (quận Tây Hồ) đã được đưa đến trồng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).