Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Hà Nội: '2 mức khởi điểm đấu giá biển số đẹp sẽ loạn cào cào'

Theo ông Trần Sỹ Thanh, nếu quy định mức giá khởi điểm đấu giá theo vùng là 20 triệu đồng hoặc 40 triệu sẽ loạn cào cào. "Vẫn nên giao cho HĐND quyết", Chủ tịch Hà Nội nói.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tổ tại Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng, biển số xe là loại tài sản đặc thù. Thực tế, nhiều người mong muốn có biển số theo nhu cầu mà sẵn sàng trả phí thông qua đấu giá để có được “biển số đẹp”. Vì thế, thí điểm 3 năm việc đấu giá biển số ôtô vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa giúp tăng nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo mọi người bình đẳng khi đấu giá.

Nên quy định một mức giá khởi điểm chung

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng tán thành đấu giá trực tuyến bởi lượng biển số nếu đem ra đấu giá dự kiến rất nhiều, lại không giới hạn địa giới hành chính nên lượng người tham gia đấu giá sẽ rất đông, lựa chọn hình thức đấu giá khác khó khả thi và không phù hợp.

Ông Thắng (Kiên Giang) đồng tình giao Bộ Công an lựa chọn một số tổ chức đứng ra tổ chức đấu giá biển số nhưng ông lưu ý phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, chọn tổ chức có năng lực tốt để cuộc đấu giá không phát sinh tiêu cực.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé ủng hộ thí điểm đấu giá biển số ôtô trên toàn quốc vì mọi người đều có nhu cầu. Song trong thời gian thí điểm, nữ đại biểu cho rằng chỉ nên giới hạn đấu giá biển xe nền trắng chữ đen, nếu sau này thấy cần thiết thì mở rộng.

Vì đấu giá trên toàn quốc, bà cho rằng mức giá khởi điểm nên thống nhất mức chung, không nên chia hai mức giá theo hai vùng.

dau gia bien so dep anh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ảnh: Minh Châu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị phải có quy định để người dân không có điều kiện tham gia đấu giá biển số không bị thiệt thòi, mất quyền lợi. Theo ông, phải có tiêu chí chọn biển số đấu giá rõ ràng, cụ thể.

Hơn nữa, ông cũng cho rằng mức đấu giá đưa ra quá thấp. “Đã đi đấu giá biển số xe đẹp thì đó chắc chắn là người có năng lực về tài chính. Nếu mức giá khởi điểm thấp, rồi phải thuê tổ chức thực hiện đấu giá thì phần thu lại cho Nhà nước có đủ lớn không?”, ông Phương đặt vấn đề và đề xuất thay vì mức giá khởi điểm 40 triệu có thể xem xét mức 80 triệu đồng.

Liên quan đến quyền sở hữu của người trúng đấu giá, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng tình với dự thảo vì cho rằng quy định như vậy sẽ tránh đầu cơ, loạn việc mua bán biển số khiến tình hình phức tạp.

Về mức giá khởi điểm, ông Thanh góp ý dự thảo chỉ nên đưa ra mức giá tối thiểu và giao lại HĐND quyết.

“Đấu giá tập trung thì ngân sách địa phương được hưởng chứ không phải ngân sách Trung ương hay Bộ Công an. Vì vậy, tốt nhất nên đưa về cho địa phương, giao HĐND quyết định mức giá và giá khởi điểm, ông Thanh nói.

Theo Chủ tịch Hà Nội, nếu quy định mức giá khởi điểm đấu giá theo vùng là 20 triệu đồng hoặc 40 triệu sẽ “loạn cào cào”. “Vẫn nên giao HĐND quyết, đừng chê tỉnh nghèo. Nhà nước nghèo chứ dân không nghèo, ví dụ Đắk Lắk nghèo chứ dân không nghèo đâu, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng”, theo lời ông Thanh.

Đấu giá toàn quốc thì quản lý xe theo đầu số mỗi tỉnh thế nào?


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nêu vấn đề: “Khi chưa đấu giá, biển số ôtô là tài sản công nhưng sau khi đấu giá rồi, người trúng đấu giá có quyền cho, tặng, chuyển nhượng thì đó có còn là tài sản công không?”.

Dự thảo quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả tỉnh, thành để đăng ký tham gia đấu giá; người trúng đấu giá được đăng ký biển số trúng đấu giá tại cơ quan công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá.

dau gia bien so dep anh 2

Đại biểu Quốc hội đề xuất một mức giá khởi điểm chung khi thí điểm đấu giá biển số ôtô trên toàn quốc. Ảnh minh họa: Anh Xuân.

Song ông Tú dẫn quy định hiện nay về việc mỗi tỉnh có một đầu số riêng để quản lý biển số ôtô, ví dụ Cao Bằng là 11, Kiên Giang là 68, Hà Nội là 29… “Giờ quy định có thể đăng ký đấu giá trên toàn quốc, người ở Kiên Giang có thể đăng ký tham gia đấu giá biển xe ở Hà Nội với biển 29 và ngược lại. Vậy cơ quan công an tỉnh Kiên Giang có thể cấp biển số đầu 29 của Hà Nội không?”, ông Tú nêu băn khoăn.

Ông đề nghị làm rõ nếu thí điểm thì việc quản lý biển số xe theo các tỉnh có còn ý nghĩa? Sau 3 năm thí điểm mà nhân rộng toàn quốc thì việc quản lý biển số xe theo đầu số của mỗi tỉnh sẽ được thực hiện thế nào?

Cùng băn khoăn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết chúng ta đang thực hiện cấp đăng ký và cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quản lý phương tiện theo địa bàn các tỉnh.

“Giờ nếu cấp theo kiểu đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội, chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ rất nhiều phức tạp. Khi chạy xe thì chúng ta không hạn chế chạy ở đâu nhưng có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn”, bà Thủy phân tích.

Theo nữ đại biểu, bà chưa thấy có lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ công an sẽ tiến hành quản lý ôtô để phù hợp với quy định đấu giá biển số trên toàn quốc.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Bà Thủy rất băn khoăn với quy định này, vì mục tiêu của biển số xe là để quản lý phương tiện mà giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng, như vậy sẽ rất phức tạp trong quản lý.

Bà đề xuất biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện, việc trao đổi, mua bán, chuyển nhượng, thừa kế cũng gắn với phương tiện đó. Khi nào hết vòng đời phương tiện thì biển số xe lại được thu hồi cho Nhà nước để đưa vào kho số đấu giá tiếp.

“Nếu biển số gắn với người sẽ dẫn đến khả năng đầu cơ rất lớn. Người ta có thể mua rất nhiều biển số gắn cho những xe giá rẻ thôi, khi ai đó có nhu cầu mua biển đó sẽ mua xe sang, xe xịn gắn chuyển”, bà Thủy nêu vấn đề.

Bộ trưởng Công an: Tiền thu đấu giá biển số đẹp nộp hết vào ngân sách

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương, thay vì chia tỷ lệ 70% nộp ngân sách Trung ương, 30% phân bổ ngân sách địa phương như phương án cũ.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm