Phố phường Hà Nội tấp nập người qua lại khi TP nới lỏng giãn cách từ ngày 21/9. Nhiều hoạt động kinh doanh được nối lại, trong đó các hàng ăn được phép bán mang về. Tuy nhiên, dọc những con đường quanh phố cổ Hà Nội, nhiều hàng quán vẫn nghỉ bán. |
Lúc 11h30 ngày 23/9, hàng bún đậu của bà Kim Tuyến ở ngõ phố Hàng Khay bên hồ Gươm không quá đông khách, trái ngược với cảnh tất bật cách đây hơn 2 tháng. |
Trước dịch, hàng bún đậu của bà Tuyến bán được 1.000 suất ăn ở cả ba buổi mỗi ngày. Quán có tới 20 nhân viên phục vụ, chia thành các ca làm từ sáng tới tối. Từ khi Hà Nội cho phép bán mang về, số đơn mỗi ngày tại đây chỉ được khoảng 200-300 suất. |
"Ở đây khách đến tận nơi ăn là chính. Trong thời dịch, lượng đơn ship đi cũng không nhiều. Thế nhưng chuyện kinh doanh cả đời, an toàn vẫn là trên hết. Thời điểm này bán mang về là hợp lý", bà Tuyến vừa làm đồ ăn vừa nói. |
Trước cửa, bà Tuyến căng nylon để hạn chế việc tiếp xúc giữa nhân viên và người giao hàng. Đơn hàng xếp xong được đặt trên bàn rồi chuyển đi. |
Quán bánh cuốn nổi tiếng trên phố Tô Hiến Thành cũng được lắp vách ngăn cẩn thận để tránh tiếp xúc giữa người mua và bán. Bà Nguyễn Thị Dung (chủ quán, giữa) cho biết số lượng đơn hàng bán mang về chỉ bằng một nửa so với trước giãn cách. |
"Chủ yếu là khách quen ghé qua mua chứ đơn đặt hàng qua các ứng dụng của nhà tôi cũng không nhiều", bà Dung nói. |
Một suất bánh cuốn nóng hổi có giá từ 35.000-40.000 đồng tùy theo khách gọi. Ngoài bánh cuốn, quán của bà Dung còn bán thêm bún chả, bánh giò... |
Hiện nay do chỉ duy trì bán mang về nên lượng nhân viên tại quán bánh cuốn của bà Dung cũng giảm đi một nửa. |
Sáng 23/9, tiệm bún chả nhiều người ăn trên phố Hàng Quạt vẫn đóng cửa. |
Bàn ghế tại quán trong 2 tháng không sử dụng được kê gọn một góc. Theo chia sẻ của người bán, sở dĩ cửa hàng chưa mở vì thiếu nhân viên. Tuy nhiên, trong vài ngày tới họ sẽ nhanh chóng đón khách trở lại. |