Cụ thể, chiều 28/9, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ với báo chí Bộ đang nghiên cứu sửa đổi nghị định 92 và nghị định 30 trong đó có đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm đến từ các hãng hàng không.
Vị này cho biết Bộ đã giao Cục Hàng không nghiên cứu cũng như tham vấn ý kiến của chuyên gia và nhận thấy tuổi tàu bay bay hành khách và hàng hoá của Việt Nam ngay cả khi đã “nới” cũng chưa bằng trung bình của thế giới để dừng khai thác.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cũng cho biết cách đây hơn 10 năm, Việt Nam chưa có điều kiện về năng lực, trình độ và cơ sở hạ tầng kiểm tra, giám sát tình trạng đủ điều kiện bay của đội tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam và nên hạn chế tuổi tàu ở mức 20 năm khi kết thúc hợp đồng thuê.
Hiện, năng lực kiểm tra, giám sát an toàn được nâng lên do có sự hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước, đặc biệt là với các tổ chức giám sát an toàn như Cục Hàng không liên bang Mỹ FAA, Hiệp hội IASA của Châu Âu... Ngoài ra công nghệ cũng giúp đảm bảo thời gian hoạt động tuổi thọ của tàu bay lớn hơn.
Hiện theo số liệu từ Planespotter, tuổi đời trung bình đội tàu bay của các hãng hàng không Việt đang rất thấp với Vietjet Air đang là khoảng 3 năm tuổi, Jetstar Pacific là 4,6 năm tuổi và Vietnam Airlines là 6,2 năm tuổi. So với trung bình thế giới đây là mức thấp.
Trước đó, Bamboo Airways, hàng hãng không chưa cất cánh của tập đoàn FLC đã đề nghị Cục Hàng không cấp số đăng ký cho ba máy bay mà hãng dự định thuê từ Công ty cho thuê tàu bay WWTAI AirOpco II DAC. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Zing.vn, cả ba chiếc máy bay này đều khá cũ với tuổi đời trung bình khoảng 12 năm.