Cuộc gặp hiếm hoi này là một trong những biện pháp của hai nước nhằm xoa dịu tình hình sau sự việc nổ mìn ở khu biên giới phi quân sự hồi tháng 8.
"Chúng tôi hy vọng những vấn đề còn tồn động sẽ được thảo luận thông qua những cuộc đối thoại", Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Hwang Boo Gi nói. Trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên, ông Jon Jong Su, cũng kêu gọi hai bên nỗ lực nhằm hàn gắn mối quan hệ liên Triều.
AFP cho biết, các bên không công bố lịch trình nghị sự chính thức. Tuy nhiên, nguồn tin Hàn Quốc nói họ dự kiến sẽ đề xuất thêm nhiều cuộc đoàn tụ thân nhân. Lần đoàn tụ gần nhất của những gia đình bị chia ly diễn ra vào tháng 10, nhưng Seoul muốn các hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn.
Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Hwang Boo Gi (trái) bắt tay người đồng cấp Triều Tiên Jon Jong Su trong cuộc gặp ngày 11/12. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, giới quan sát nhận định Bình Nhưỡng sẽ đặt ra những vấn đề có thể giúp nước này phát triển kinh tế, bao gồm việc nối lại các chuyến du lịch đến khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang. Hoạt động này bị chấm dứt vào năm 2008, khi một binh sĩ Triều Tiên bắn chết du khách Hàn Quốc. Nhiều khả năng Seoul sẽ không chấp thuận đề nghị này, trừ phi Bình Nhưỡng xin lỗi và giải thích rõ ràng về sự cố.
Nhiều chuyên gia không kỳ vọng cuộc hội đàm mới nhất sẽ đạt đột phá. Tuy nhiên, họ đồng tình rằng đây là một bước đi ý nghĩa khi hai bên đang thực hiện những điều đã đồng thuận từ cuộc họp tháng 8.
Cuộc họp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tuyên bố sở hữu công nghệ chế tạo bom nhiệt hạch. “Triều Tiên đã sở hữu các loại vũ khí hạt nhân và sẵn sàng kích nổ bom nguyên tử cũng như bom nhiệt hạch để bảo vệ chủ quyền, phẩm giá dân tộc. Triều Tiên có thể tiếp tục xây dựng một quốc gia mà không kẻ thù nào dám khiêu khích”, KCNA ngày 10/12 trích phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ và nhiều chuyên gia nước ngoài bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố này của Triều Tiên. “Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn nghi ngờ những tuyên bố của Triều Tiên. Mỹ luôn xem xét thận trọng các nguy cơ và mối đe dọa từ Bình Nhưỡng bởi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của họ”, Johs Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng, nói.