Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc - Trung gian hòa giải hiếm có giữa Mỹ và Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In được đánh giá cao với vai trò ngoại giao hòa giải trong vấn đề Triều Tiên, đóng góp đáng kể vào diễn biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử.

Trong những sự kiện thế giới trọng đại, các cường quốc là động lực chính quyết định động thái của những nước nhỏ hơn và tạo hình bức tranh địa chính trị khu vực.

Tuy nhiên, khác với lý thuyết truyền thống, Hàn Quốc nổi lên với vai trò bên tạo ra thay đổi, thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều Tiên và nâng cao triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà phân tích, xuyên suốt chặng đường tới cuộc gặp lịch sử của Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12/6 tại Singapore, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đóng vai trò “người trung gian chân thành” giữa lãnh đạo 2 nước lâu năm thù địch.

Han Quoc dong vai tro hoa giai trong quan he quoc te anh 1
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in trong vai trò trung gian giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Yonhap.

“Diễn biến thú vị nhất về an ninh Đông Bắc Á là lần đầu tiên trong thời hiện đại, thay vì một trong những nước lớn, Hàn Quốc lại là chủ thể dẫn dắt động lực phát triển, hướng tới sự thay đổi quan trọng. Biến chuyển này có thể dẫn đến bước ngoặt hoàn toàn trong cân bằng quyền lực khu vực”, Balbina Hwang, giáo sư thỉnh giảng thuộc Đại học Georgetown cho biết.

Bà Hwang nhận định “đây là điều chưa từng có trong lịch sử bởi nhiều năm qua, bán đảo Triều Tiên vẫn luôn là ‘điểm trục’ mà các cường quốc sử dụng để tạo xoay chuyển trong khu vực”.

Nỗ lực cứu cuộc gặp thượng đỉnh

Chặng đường tới hội nghị thượng đỉnh chưa từng có trong lịch sử khó khăn hơn nhiều kỳ vọng lúc đầu.

Cho tới ngày cuộc gặp diễn ra, Washington và Bình Nhưỡng đã đối đầu trong hàng loạt các nút thắt rắc rối, bao gồm tiến độ và trình tự của quá trình giải giáp hạt nhân của Triều Tiên.

Tháng trước, cuộc gặp thượng đỉnh đứng bên bờ vực khi Tổng thống Trump đột ngột hủy gặp, cho rằng Bình Nhưỡng thể hiện “thái độ thù địch công khai”. Tuy nhiên, sau động thái hòa giải của Triều Tiên và sự dàn xếp của Hàn Quốc, cuộc gặp tiếp tục được tiến hành theo dự kiến.

Nhằm “tạo sân khấu” cho Trump, Kim và cứu cuộc gặp, tổng thống Hàn Quốc gặp ông Kim hai lần trong tháng 4 và tháng 5. Hồi tháng trước, ông Moon cũng đã có cuộc gặp với ông Trump, và đội ngũ an ninh quóc gia của ông tiếp tục duy trì liên lạc hàng ngày với phía Mỹ.

Han Quoc dong vai tro hoa giai trong quan he quoc te anh 2
Cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo hai miền Triều Tiên trong cuộc gặp hồi tháng 4. Ảnh: Getty.

Bước khởi xướng cho hòa bình của ông Moon tác động lên cường quốc khu vực như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng những nước này trở nên thận trọng hơn trước khả năng bị “cho ra rìa” trong vòng xoáy ngoại giao với Triều Tiên.

Shawn Ho, nhà nghiên cứu an ninh tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Kĩ thuật Nanyang, Singapore, cho biết chiến lược ngoại giao của ông Moon và kết quả của nó “rất đặc biệt” trong bối cảnh chính trị quốc tế.

“Tổng thống Moon phải được công nhận vì lối tiếp cận kiên định, bền bỉ và quyết tâm trong vấn đề Triều Tiên”, ông Ho trả lời phỏng vấn của hãng tin Yonhap.

“Tôi nghĩ đối với ông Moon, vấn đề liên Triều khác biệt hoàn toàn với bất cứ vấn đề nào khác, bởi nó liên quan tới bán đảo Triều Tiên, và người dân tại đây. Ý nghĩa tinh thần của nó không thể bị đánh giá thấp”, ông nhận định.

Bên cạnh nỗ lực xây dựng niềm tin giữa Trump và Kim, vị trí địa chính trị đặc biệt của bán đảo Triều Tiên là một trong những điều giúp Seoul thành công trong cuộc chơi với các nước lớn.

“Hàn Quốc có vị trí địa chính trị nhạy cảm và quan trọng mà có thể tác động tới cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này cho phép Hàn Quốc thực thi quyền lực ngoại giao trên mức vị thế của một cường quốc hạng trung”, Nam Chang Hee, chuyên gia về an ninh tại Đại học Inha, cho biết.

“Hàn Quốc có nhiều lợi thế về mặt lịch sử, chẳng hạn như hàng chục năm liên minh với Mỹ. Kết hợp với yếu tố địa chính trị, những điều này tạo nên bối cảnh độc đáo cho chính sách ngoại giao của Seoul”.

Han Quoc dong vai tro hoa giai trong quan he quoc te anh 3
Tổng thống Moon gặp Tổng thống Trump tại Washington hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Hoài bão hòa giải

Cách đây hơn 10 năm, dưới chính quyền của cựu tổng thống Roh Moo Hyun, Hàn Quốc từng nhen nhóm ý định trở thành “người cân bằng” tại Đông Bắc Á. Nhưng phe phản đối bác bỏ ý tưởng này, cho rằng năng lực ngoại giao của Seoul không phù hợp với vai trò hòa giải.

Tuy nhiên, bất chấp danh tiếng trên, Seoul từng nhiều lần tạo ra thay đổi đáng chú ý đối với hành động của Mỹ.

Đầu những năm 1950, tổng thống Hàn Quốc Rhee Syng Man gây sức ép với Mỹ nhằm đạt được hiệp ước quốc phòng chung thông qua những biện pháp gây hấn, ví dụ như bất ngờ thả tù nhân chiến tranh trong lúc thỏa thuận ngừng bắn tạm dừng chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đang được đàm phán.

Dù châu Âu lúc đó là trọng tâm chiến lược, Mỹ và Hàn Quốc đã ký hiệp ước quốc phòng chung mà hiện tại trở thành cơ chế then chốt đảm bảo an ninh trên bán đảo.

Han Quoc dong vai tro hoa giai trong quan he quoc te anh 4
Máy bay gián điệp của Không quân Mỹ chuẩn bị hạ cánh trong cuộc tập trận chung Max Thunder giữa Mỹ và Hàn Quốc ngày 16/5. Ảnh: AP.

Tổng thống Moon, một người thuộc đảng Dân chủ tự do, duy trì ngoại giao với Triều Tiên bất chấp một loạt các thách thức, bao gồm sự hoài nghi trong nước.

Mới chỉ năm 2017, những lời chỉ trích dấy lên khi ông vẫn theo đuổi đường lối ôn hòa sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 cùng hàng loạt vụ phóng tên lửa. Phe chỉ trích gièm pha chính sách ngoại giao của ông Moon là “yếu ớt và ngây thơ”, kêu gọi ông thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên bằng nhiều biện pháp, đơn cử như tái điều động vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ từng bị rút khỏi bán đảo đầu thập niên 90.

Nhưng Tổng thống Moon đã đặt cược vào phương thức “nước đôi”, một mặt tiếp tục hướng tới đối thoại với Triều Tiên, mặt khác duy trì cấm vận để “chống lưng” cho phương thức ngoại giao của mình.

“Những gì từng là không thể tưởng tượng hay bất khả thi vào thời điểm ông Moon nhậm chức giờ đang trải ra trước mắt chúng ta”, Nam Gwan Pyo, phó giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia, nói với phóng viên ngày 11/6.

“Tất cả những điều này trở thành hiện thực nhờ ý chí táo bạo của lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ trong việc phá bỏ khung cũ và mở ra tương lai mới”.

Bên cạnh tài ngoại giao của ông Moon, sự gia tăng đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên cũng góp phần vào động lực cho đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Trump và Kim.

“Trong quá khứ, chương trình hạt nhân của Triều Tiên chỉ là phiền toái đối với Mỹ, nhưng nó phát triển nhanh tới mức trở thành nguy cơ thách thức an ninh, vượt qua mức độ của một sự phiền nhiễu đơn thuần”, Kim Tae Hyung, chuyên gia thuộc Đại học Soongsil đánh giá.

Cú bắt tay lịch sử 12 giây của Trump và Kim Jong Un Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp nhau và có cú bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây tại khách sạn Capella, trên đảo Sentosa, Singapore, trước khi đi vào hội đàm.

'Mọi người dân Hàn Quốc đang dõi theo sự kiện ở Singapore'

Tuy hồi hộp đến mức mất ngủ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vẫn bày tỏ sự tự tin vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6.

3 kịch bản cho cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hướng tới cuộc gặp lịch sử với kỳ vọng đạt được một thỏa thuận giúp cải thiện vị thế chính trị, tạo tiền đề để hạ nhiệt căng thẳng.

Ngọc Hà

Theo Yonhap

Bạn có thể quan tâm