Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 kịch bản cho cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un hướng tới cuộc gặp lịch sử với kỳ vọng đạt được một thỏa thuận giúp cải thiện vị thế chính trị, tạo tiền đề để hạ nhiệt căng thẳng.

Cú bắt tay lịch sử 12 giây của Trump và Kim Jong Un Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp nhau và có cú bắt tay lịch sử kéo dài 12 giây tại khách sạn Capella, trên đảo Sentosa, Singapore, trước khi đi vào hội đàm.

Cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống đương nhiệm của Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa chính thức bắt đầu. Dù thế giới mong chờ một thỏa thuận thực chất tạo tiền đề cho tiến trình phi hạt nhân hóa và chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, triển vọng về bất cứ kịch bản nào như vậy hiện vẫn rất mù mịt.

Mỹ - Triều muốn gì khi gặp nhau?

Cả Mỹ và Triều Tiên đều cần tới cuộc gặp, đó là điều có thể khẳng định.

Từ phía Triều Tiên, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Điều này không chỉ dừng ở mức tìm kiếm một thỏa thuận ngăn chặn chiến tranh phủ đầu do Mỹ tiến hành, mà còn đảm bảo duy trì quyền lãnh đạo của ông Kim Jong Un trong nước.

Ưu tiên thứ hai của Bình Nhưỡng là giảm nhẹ và tiến tới xóa bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt. "Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, đã chuyển hướng chiến lược từ phát triển vũ khí hạt nhân sang phát triển kinh tế, tất nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là nhằm duy trì quyền lực", Kim Ji Yoon, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Seoul, nói với Zing.vn.

thuong dinh trump kim anh 1
Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un đang có sự chuyển hướng chiến lược sang phát triển kinh tế. Ảnh: AFP.

Ở phía bên kia, mục tiêu của Washington là giải giáp hoàn toàn hay một phần chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Washington cần đạt được thỏa thuận dù là nhỏ nhất để tạo tiền đề tái lập ổn định trên bán đảo Triều Tiên, từ đó giúp Mỹ bớt bị phân tán các nguồn lực trong cuộc đối đầu chiến lược với Trung Quốc tại châu Á.

Cá nhân Tổng thống Trump, giữa những bê bối chính trị nội bộ, rất cần một chiến thắng trên mặt trận Triều Tiên để xoa dịu sức ép từ cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử năm 2016. Ông Trump cũng muốn làm lu mờ hình ảnh "thiếu hợp tác" và "bị cô lập" của Mỹ trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Canada.

Kịch bản 1: Thỏa thuận giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân Triều Tiên

Đây là kịch bản mà những người mộng mơ kỳ vọng cho hòa bình nhanh chóng đến với bán đảo Triều Tiên nghĩ tới.

"Giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân Triều Tiên đồng nghĩa với việc Triều Tiên phải đồng ý hủy bỏ có kiểm soát hoặc chuyển kho vũ khí hạt nhân của nước này ra bên ngoài", Benjamin Silberstein, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Philadelphia, nhận định.

Đi cùng với việc giao nộp kho vũ khí hạt nhân, Triều Tiên sẽ phải chấp nhận công khai toàn bộ thông tin, tài liệu, các cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng phải cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận mọi cơ sở hạt nhân vào bất kỳ thời điểm nào.

thuong dinh trump kim anh 2
IAEA cho biết sẽ cần hàng chục năm để giải đáp hết các câu hỏi về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: AP.

Mặc dù vậy, đây là viễn cảnh được đánh giá ít có khả năng xảy ra nhất. Triều Tiên coi chương trình hạt nhân là thanh gươm bảo vệ chế độ. Việc từ bỏ chương trình hạt nhân sẽ tước đi công cụ duy nhất giúp Triều Tiên răn đe hiệu quả Mỹ. Khó có khả năng Bình Nhưỡng từ bỏ "gươm báu" của mình nếu không nhận được bảo đảm chắc chắn về an ninh từ Mỹ.

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã được phát triển trong hàng thập kỷ. Một báo cáo của IAEA đánh giá sẽ mất hàng chục năm để các thanh sát viên của tổ chức này có thể thẩm tra hết tài liệu và tiếp cận các cơ sở hạt nhân bí mật, được cho là rải rác tại nhiều địa điểm phía Bắc vĩ tuyến 38, của Triều Tiên. Việc nhanh chóng đạt được một thỏa thuận về vấn đề này là rất khó khả thi.

Bên cạnh đó, lịch sử thực hiện các thỏa thuận từng đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên cho thấy không có gì đảm bảo thỏa thuận lần này sẽ được tôn trọng và được thực thi. Đặc biệt, trong bối cảnh tương lai chính trị và quyền lực của Tổng thống Trump nhiều khả năng bị thách thức sau cuộc bầu cử lưỡng viện giữa kỳ diễn ra tháng 11 tới, không có gì đảm bảo thỏa thuận đạt được tại Singapore sẽ được tôn trọng khi Mỹ có một tổng thống mới, hoặc quyền lực tại quốc hội rơi vào tay đảng Dân chủ.

Kịch bản 2: Hội nghị thất bại, không đạt được thỏa thuận nào

Đây là kết quả đáng thất vọng nhất, nếu xảy ra, cho cuộc gặp được đánh giá là lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong Un và có nguy cơ đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới.

Mặc dù vậy, đây là kịch bản khó có khả năng xảy ra. Thực tế, cả Mỹ và Triều Tiên đều cần tới một thành công, dù mang tính biểu tượng, tại cuộc gặp ngày 12/6 tại Singapore. Việc dồn ép lẫn nhau khiến hội nghị đi vào bế tắc không có lợi ích gì cho cả ông Trump và ông Kim Jong Un.

"Xét từ nội tại, Triều Tiên mong muốn triển khai chuyển hướng chiến lược, mà điểm mấu chốt để đạt được mục tiêu này là phải vượt qua cửa của Mỹ. Mở được cánh cửa Mỹ, Triều Tiên sẽ mở lại được biên giới Trung - Triều, mở ra cơ hội làm ăn với Hàn Quốc, phương Tây hay các cơ hội tiếp cận vốn vay quốc tế", chuyên gia Columb Strack từ Viện chính sách IHS Markit, London, nói với Zing.vn.

Hơn nữa, những phát ngôn gần đây của Tổng thống Trump cho thấy cuộc gặp ngày 12/6 đang có tương lai rất hứa hẹn. Khi rời Canada hôm 9/6, Tổng thống Trump tuyên bố tới Singapore để thực hiện sứ mệnh hòa bình. Trước đó, phát biểu sau cuộc gặp đặc phái viên Bình Nhưỡng cử tới Washington là Kim Yong Chol, ông chủ Nhà Trắng thậm chí nhắc tới khả năng chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Kịch bản 3: Đạt được một số thỏa thuận nhỏ, tạo tiền đề cho đàm phán tương lai

Các chuyên gia đánh giá đây là kịch bản khả thi nhất cho cuộc gặp được cả thế giới trông đợi dự kiến diễn ra trong 24 giờ tới. 

Lãnh đạo Mỹ - Triều có thể thống nhất một lộ trình cụ thể cho đàm phán và hợp tác trong tương lai. Điều này mở ra khả năng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ gặp lại nhau trong thời gian tới. 

Triều Tiên có thể phá hủy một số loại vũ khí thông thường, đặc biệt là các loại tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng cũng sẽ chấp thuận một kế hoạch khung cho phép thanh sát viên quốc tế quay trở lại nước này và thực hiện hoạt động kiểm tra với giới hạn nhất định.

"Một số thông tin đã đề cập tới khả năng Triều Tiên cam kết hủy bỏ kho tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM, tức loại bỏ khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ, tuy nhiên vẫn giữ lại kho vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm ngắn", bà Yun Chun, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Asan, Seoul, nói với Zing.vn.

thuong dinh trump kim anh 3
Tổng thống Trump tuyên bố đến Singapore với sứ mệnh hòa bình. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, thỏa thuận như vậy sẽ gây tức giận cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Việc Triều Tiên tiếp tục sở hữu các loại vũ khí đe dọa trực tiếp Nhật - Hàn sẽ khiến hai quốc gia Đông Bắc Á buộc phải theo đuổi chương trình hạt nhân của riêng mình. Điều này sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua hạt nhân tại khu vực và đe dọa trực tiếp tới an ninh của Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Mỹ có khả năng giảm nhẹ một số biện pháp cấm vận, cho phép Triều Tiên tái tiếp cận nguồn nhập khẩu các loại năng lượng và một số hàng hóa. Mỹ cũng sẽ ngừng yêu cầu Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân theo công thức CVID - toàn bộ, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

"Những diễn biến gần đây cho thấy những nhân vật diều hâu tại Nhà Trắng như John Bolton đã mất tiếng nói trong vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Trump sẽ lựa chọn cách tiếp cận mềm mỏng, từng bước", chuyên gia Kim Ji Yoon nhận xét.

Tuy nhiên, việc đạt được một thỏa thuận tại Singapore ngày 12/6 không đồng nghĩa với việc các bên đã tìm ra con đường chắc chắn để tháo ngòi nổ vĩnh viễn cho căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Giống như thỏa thuận khung từng đạt được năm 1994 giữa chính quyền Bill Clinton và cố lãnh đạo Kim Jong Il đổ vỡ năm 2006 dưới thời Bush, thỏa thuận lần này nếu đạt được có thể bị xé bỏ bất cứ lúc nào khi có biến động tại Capitol Hill hay tại Nhà Trắng.

"Cuộc gặp cho những người lạc quan quyền hy vọng bởi rất nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, có những giới hạn quyền lực mà ngay cả ông Trump, tổng thống khó lường và khó đoán nhất nước Mỹ từng có, cũng không thể vượt qua", chuyên gia Strack nói với Zing.vn.

Ông Kim Jong Un sẽ đi đường nào đến nơi gặp ông Trump? Ông Kim Jong Un đang ở Singapore chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra trên đảo Sentosa.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Khi 2 người đàn ông lần đầu bước xuống dòng sông

Kim và Trump đang ở Singapore và sẽ gặp nhau vào ngày 12/6 tới, trong một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với 2 nhân vật mà có thể lịch sử cũng chưa từng chứng kiến.


thuong dinh trump kim anh 4

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm