Sự khác biệt sâu sắc về văn hóa giữa giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên lâu nay vẫn là chủ đề nhận được nhiều quan tâm. Một công dân Triều Tiên sau khi đào tẩu sang Hàn Quốc đã viết cuốn sách Ở Triều Tiên nơi tôi từng sống.
Cuốn sách kể về nạn đói ở Triều Tiên trong thập niên 1990 và chỉ ra nhiều khác biệt sâu sắc về văn hóa khiến cô phải giật mình.
Hãy béo ở Triều Tiên và gầy ở Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, vóc dáng rất được coi trọng. Mọi người bị ám ảnh với việc giảm cân vì họ được dạy rằng thừa cân có liên quan mật thiết đến vấn đề sức khỏe. Thân hình mảnh mai mới là biểu trưng cho vẻ đẹp và sự quyến rũ.
Trái ngược với quan điểm này, nặng cân là điều đáng ngưỡng mộ ở Triều Tiên. Một người mũm mĩm sẽ được coi là đến từ một gia đình thượng lưu.
Tiêu chuẩn về vóc dáng của hai miền Triều Tiên hoàn toàn trái ngược. Ảnh: The Korea Times. |
Kyung Hwa, tác giả của cuốn sách Ở Triều Tiên nơi tôi từng sống cho rằng quan điểm tiêu cực của người Hàn Quốc về thừa cân là một trong những điều khiến cô gặp phải "cú sốc văn hóa" sau khi cô đến miền Nam.
Kyung Hwa là bút danh của tác giả người Triều Tiên, cô từ chối tiết lộ tên thật cũng như thông tin cá nhân khác khi được hỏi thông qua nhà xuất bản Media Ilda.
Trong cuốn sách của mình, cô kể rằng đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 1998 để có cuộc sống tốt hơn sau 3 thập kỷ sống ở Triều Tiên. Kyung-hwa đã kể lại tỉ mỉ khác biệt ở hai xã hội nơi cô từng sống. Ví dụ, đề tài béo phì ở hai miền Triều Tiên được cô ghi lại ở chương 10 của cuốn sách.
Những người Triều Tiên giàu có sẵn sàng dùng nhung hươu để tăng cân, trong khi người Hàn Quốc chấp nhận trải qua phẫu thuật thẩm mỹ để loại bỏ mỡ thừa.
Cây bút Triều Tiên chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ của mình ở Hàn Quốc. Ngay khi đặt chân đến sân bay quốc tế Gimpo của Hàn Quốc vào năm 1998, Kyun Hwa đã bắt gặp những người đàn ông bụng mỡ qua cửa kính xe. Kyung Hwa đã nói với người đón mình ở sân bay: "Wow, dường như có rất nhiều giám đốc điều hành ở miền Nam".
Người đàn ông không thể hiểu nổi nhận xét "kỳ quặc" của Kyung Hwa và hỏi cô đang nói về điều gì. Kyung Hwa chỉ vào những người đàn ông bụng mỡ và giải thích rằng nếu ở miền Bắc, họ sẽ được nhìn nhận là người giàu có hoặc các quan chức cấp cao. Nhận ra vấn đề, người đàn ông rất nhanh nói rằng cô thật "sáng suốt" và rằng Hàn Quốc có rất nhiều giám đốc điều hành. Sau đó, Kyung Hwa đã nhận ra là người này nói đùa.
Kyung Hwa thừa nhận sự khác biệt trong tiêu chí về sắc đẹp của hai miền. Người phụ nữ đẹp ở Triều Tiên sẽ có khuôn mặt đầy đặn còn ở Hàn Quốc là thân hình cùng gương mặt thon gọn.
So với người Triều Tiên, tác giả cho biết người Hàn Quốc am hiểu về dinh dưỡng và tác hại của chất béo hơn. Tuy nhiên, Kyung Hwa không lý giải được vì sao người Hàn Quốc lại mắc bệnh nhiều hơn.
"Người Hàn Quốc dường như mắc nhiều bệnh hơn người miền Bắc, họ bị suy dinh dưỡng. Tôi đang cố gắng để hiểu sự lệch pha giữa nhận thức về dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe của họ đến từ đâu", cô nói.
Phụ nữ Hàn Quốc tìm mọi cách để giảm cân vì ở đây chuẩn đẹp là sự mảnh mai. Ảnh: Reuters. |
Khác biệt về ẩm thực
Theo nhà xuất bản Media Ilda, Kyung Hwa khoảng tuổi 50, sinh ra ở Gaeseong, tỉnh Bắc Hwanghae, phía nam Triều Tiên. Cô đã trốn thoát khỏi quê hương vào giữa những năm 1990 khi đất nước bị mất mùa do lũ lụt dẫn đến nạn đói lớn ở Triều Tiên giết chết hàng triệu người.
Để kiếm sống, Kyung Hwa đi qua biên giới Trung Quốc, đến một nước thứ 3 ở châu Á trước khi cô đến Seoul vào năm 1998.
Sau khi làm công việc lao công trong 20 năm, mới đây cô đã nghỉ việc vì sức khỏe giảm sút.
Tác giả đã trải nghiệm ẩm thực của hai miền Triều Tiên và nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn.
Kyung Hwa cho rằng người Hàn Quốc thích ăn ngọt và cay trong khi người Triều Tiên ưa chuộng hương vị nguyên chất. Ảnh: Bazan. |
Cô cho biết các món ăn Hàn Quốc quá ngọt và cay đối với cô và việc sử dụng quá nhiều đường và gia vị khiến thực phẩm mất đi hương vị riêng. So với đồ ăn cay và ngọt của Hàn Quốc, đồ ăn của Triều Tiên khá "nhạt nhẽo".
"Gia vị không bao giờ làm mất đi hương vị của các nguyên liệu chính. Vì vậy, người ta có thể thưởng thức hương vị thực sự của thành phần chính nếu họ thử món ăn Triều Tiên", theo cuốn sách của Kyung Hwa.
Kyung-hwa cũng cho rằng văn hóa vẫn là rào cản đối với nhiều người Triều Tiên ở Hàn Quốc, và đây sẽ là vấn đề đáng quan tâm nếu hai miền Triều Tiên thống nhất trong tương lai.