Trong ngày hoạt động đầu tiên tại New York, Mỹ (21/9), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có một số cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao các nước và Chủ tịch Ngân hàng thế giới. Nội dung được người đứng đầu Nhà nước tập trung đề cập là chiến lược ngoại giao vaccine để phòng Covid-19.
Đề nghị lãnh đạo các nước hỗ trợ vaccine cho Việt Nam
Sáng 21/9 (giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, cùng nhận định, đánh giá về mối quan hệ hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông tuyên bố: “Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ hỗ trợ Chính phủ, nhân dân Việt Nam hơn một triệu liều vaccine và sẽ chuyển cho Việt Nam vào giữa tháng 10 tới để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân phúc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam hơn một triệu liều vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Hoài Thu. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Hàn Quốc đã hỗ trợ vaccine kịp thời cho Việt Nam. Ông nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam, bảo đảm nguồn nhân lực và bảo vệ sức khỏe cho các cá nhân, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng mong muốn các cơ quan liên quan của hai Chính phủ phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ công dân hai nước có cuộc sống an toàn, ổn định tại mỗi nước trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Ireland Micheal Martin, hai nhà lãnh đạo ghi nhận dù trong bối cảnh dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2020 vẫn đạt 4,2 tỷ USD.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên sớm nối lại việc trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp khi điều kiện kiểm soát dịch bệnh cho phép, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác.
Ông cũng đánh giá cao những thành quả Ireland đạt được trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và đề nghị Ireland hỗ trợ trong việc tiếp cận với nguồn cung vaccine, xem xét cung cấp các thiết bị y tế như máy thở, bộ kít xét nghiệm cho Việt Nam để sớm khống chế được dịch bệnh, nối lại hoạt động giao thương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Hoài Thu. |
Tại cuộc gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thủ tướng quan tâm hỗ trợ Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vaccine ngừa Covid-19, bao gồm thông qua cơ chế COVAX.
Gặp gỡ Tổng thống Slovenia Borut Pahour, nguyên thủ hai nước cùng trao đổi về hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam.
Hai nước cũng bàn việc sớm nghiên cứu, đàm phán để công nhận lẫn nhau hộ chiếu/chứng chỉ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tạo điều kiện cho công dân hai nước xuất nhập cảnh khi các đường bay mở trở lại.
Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu kép
Chiều cùng ngày theo giờ New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass.
Chủ tịch nước cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 6,2 triệu USD năm 2020 và cho phép Việt Nam hoãn trả nợ nhanh các khoản IDA để dành nguồn lực mua vaccine, sinh phẩm, thiết bị y tế cần thiết để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. Ảnh: Hoài Thu. |
Ông khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch bệnh đồng thời nỗ lực đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất, chuỗi cung ứng, hướng tới thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các biện pháp để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, trong đó có việc đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục tư vấn chính sách cho Việt Nam phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; hỗ trợ Việt Nam được ưu tiên tiếp cận và mua vaccine, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đánh giá cao và ấn tượng trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 gây ra.
Ông David Malpass khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công cuộc phòng chống Covid và đẩy mạnh tư vấn chính sách giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Ảnh: Hoài Thu. |
Cũng trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc trao đổi với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry. Theo Chủ tịch nước, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ, mong muốn tiếp tục hợp tác với Mỹ nhằm duy trì đà phát triển của quan hệ hai nước.
Ông đánh giá cao những sáng kiến thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính quyền Tổng thống Biden, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia cần chung tay, hỗ trợ lẫn nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất.
Đặc phái viên John Kerry khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Ông John Kerry nhấn mạnh quyết tâm và nỗ lực của Mỹ để thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ứng phó với vấn đề toàn cầu này.