Đảo Yeonpyeong - điểm nóng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trên biển Hoàng Hải. Ảnh: Korea Times |
Yonhap đưa tin, do lo ngại tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới tăng cao, Hàn Quốc sẽ đưa 3.700 dân đến nơi an toàn trước 16h ngày 22/8. Ngoài ra, 8 chiến đấu cơ gồm 4 chiếc F-16 và 4 chiếc F-15K đã bay một vòng trên bầu trời Hàn Quốc nhằm thể hiện sức mạnh liên quân Mỹ - Hàn trước Triều Tiên.
Cùng lúc, theo Reuters, quan chức cấp cao của Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ gặp nhau lúc 9h (GMT) tại biên giới để thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay.
Trước đó, một nguồn tin quân sự nói với Yonhap rằng có dấu hiệu cho thấy quân đội Triều Tiên đang chuẩn bị tấn công các loa phóng thanh, kéo pháo tới gần biên giới.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cơ quan đang kiểm tra thông tin này, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối phó với các hành động khiêu khích từ Triều Tiên khi tối hậu thư mà Bình Nhưỡng đưa ra để yêu cầu Seoul gỡ loa tuyên truyền sẽ kết thúc vào 17h ngày 22/8.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao khi hai miền nã pháo ở khu vực biên giới hôm 20/8. Seoul cho biết họ sẽ ngừng chương trình tuyên truyền bằng loa nếu Bình Nhưỡng nhận trách nhiệm về vụ nổ mìn hồi đầu tháng tại Khu phi quân sự (DMZ), khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Trước đó, Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon ngày 21/8 tuyên bố ông "quan ngại sâu sắc" về những diễn biến vừa qua trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi hai bên đối thoại nhằm giảm căng thẳng. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc thúc giục hai nước kiềm chế.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953 với một bản hiệp định đình chiến. Nhưng về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh. Trong nỗ lực nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ, suốt cuối thập niên 90 và những năm đầu thế kỷ 21, Triều Tiên đã thực hiện một số cuộc tấn công về phía nam của đường giới hạn phía bắc (NLL). Các cuộc đụng độ giữa Bình Nhưỡng và Seoul vẫn diễn ra trên biển và khu vực gần biên giới hai nước trong hàng chục năm qua.