Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn thông tin từ một quan chức giấu tên thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết phương án hủy tập trận đã được cân nhắc "trong một thời gian rất dài".
Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống trong một thông cáo cho hay quyết định về việc này chưa được đưa ra. Các quan chức Bộ Quốc phòng từ chối bình luận.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận năm 2016. Ảnh: AP. |
Thế vận hội Olympic mùa đông dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9/2 đến 25/2, và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic diễn ra từ 8/3 đến 18/3.
Mỹ và Hàn Quốc thường tổ chức các cuộc tập trận chung vào tháng 3 và tháng 4 mang tên Giải pháp Then chốt và Đại bàng Non, với sự tham gia của khoảng 17.000 binh sĩ Mỹ và hơn 300.000 binh sĩ Hàn Quốc. Triều Tiên thường cáo buộc những cuộc tập trận nhằm chuẩn bị cho xâm lược. Bình Nhưỡng từng thử tên lửa và tiến hành các hành vi khiêu khích khác để phản ứng.
Hàn Quốc hy vọng việc Triều Tiên tham gia vào thế vận hội có thể giúp cải thiện quan hệ căng thẳng. Hàn Quốc tuyên bố bất cứ vận động viên Triều Tiên nào có đủ điều kiện thi đấu sẽ được chào đón.
Lịch sử các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Đồ họa: BBC. |
Tình hình bán đảo Triều Tiên năm 2017 leo thang căng thẳng. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và cho biết Mỹ không có lựa chọn nào ngoài chấp nhận "Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân".
Hồi cuối tháng 10, các quan chức ngoại giao Bình Nhưỡng không dưới một lần tiết lộ khả năng Triều Tiên sẽ sớm thực hiện một vụ thử bom nhiệt hạch mới với sức công phá lớn hơn nhiều so với vụ thử bom hôm 3/9.
Đáp lại, Mỹ liên tiếp đưa các khí tài quân sự tối tân tới Đông Bắc Á và tổ chức các cuộc tập trận lớn răn đe Triều Tiên. Sau các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, hôm 20/11, Mỹ điều thêm nhiều tiêm kích F-35B tới căn cứ Iwakuni, Nhật Bản.