UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản, yêu cầu huyện Lý Sơn kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng người dân đua nhau đào giếng khổng lồ, gây nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá trữ lượng cũng như việc quản lý, khai thác, sử dụng nước ngầm ở huyện này để có hướng bảo vệ nguồn nước ngọt.
Thời gian gần đây, người dân trên đảo đua nhau đào giếng "khủng" có đường kính 6 m, sâu 8 m để lấy nước sản xuất.
Thời gian gần đây, người dân huyện đảo Lý Sơn đua nhau đào giếng "khủng" để tìm nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. |
Theo tính toán của người dân, để đào được giếng (có đường kính gần 6 m, sâu khoảng 10 m), mỗi gia đình phải đầu tư trên 130 triệu đồng. Riêng tiền thuê nhân công tốn gần 70 triệu. Chi phí cho vật liệu từ đất liền ra đảo như xi-măng, cát, đá... hết 50 - 60 triệu đồng.
"Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa hè là nguồn nước ngọt trên đảo lại cạn kiệt. Để có đủ nước phục vụ sinh hoạt và tưới hành, nhiều hộ phải đầu tư hàng trăm triệu đồng đào giếng", anh Phạm Văn Mịnh, một người dân ở đảo Lý Sơn, cho biết.
Ngày 10/5, trao đổi với Zing.vn, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, từ năm 2014 đến nay, số lượng giếng khoan và giếng đào ở huyện tăng từ 546 lên gần 1.300 giếng. Thậm chí, cá biệt có những gia đình đã có 3 giếng nhưng vẫn đào thêm để phục vụ tưới hành, tỏi.
UBND huyện Lý Sơn khuyến cáo người dân nên sử dụng chung giếng để tránh nguy cơ cạn kiệt nước ngầm. |
Ông Trần Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cảnh báo, nếu không kiểm soát được việc người dân đổ xô đào giếng khơi và tiết kiệm nước sạch, tương lai gần, đảo không có nước ngọt, sẽ trở thành đảo chết.
Bà Hương cho biết, đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện tăng cường giám sát, kiểm tra, tránh tình trạng người dân đổ xô đào giếng tràn lan, gây nguy cơ làm cạn kiệt nước ngầm.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.