Chiều tối 2/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời báo chí về chủ trương đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước cũng như đưa các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sau diễn biến có một số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng ở TP.HCM.
Ông khẳng định vẫn cho phép các chuyên gia, các nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao và ngay cả người nhà của họ được nhập cảnh vào Việt Nam. Việc này nhằm tạo điều kiện thực hiện đầu tư, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, người phát ngôn Chính phủ cho biết hiện nhu cầu về nước rất lớn. Có những người điều kiện khó khăn, tuổi cao, sức yếu, trẻ nhỏ, các tu nghiệp sinh, lao động hết hạn, sinh viên học tập. Trong khi đó, khả năng cách ly và xử lý dịch ở trong nước có giới hạn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết người cao tuổi, người ốm, trẻ em, những trường hợp hết hạn học tập, lao động… sẽ được ưu tiên đưa về trên các chuyến bay giải cứu. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Đặc biệt, kể từ khi ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng ở TP.HCM vừa qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo với các chuyến bay thương mại chỉ chở chuyên gia nước ngoài, nhưng phải kiểm soát dịch chặt chẽ.
“Trong thời điểm này, phải rất hạn chế đưa chuyên gia nước ngoài cách ly trong khu quân đội. Vì từ nay đến đầu năm 2021, chúng ta sẽ có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nên phải hạn chế cách ly tại Hà Nội”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông giải thích các chuyến bay vẫn có thể về sân bay Nội Bài nhưng cách ly ở các địa phương khác.
Người Việt Nam về phải đăng ký với đầu mối là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, từ đó xem xét, ưu tiên cho các đối tượng cụ thể. “Người cao tuổi, người ốm, trẻ em, những trường hợp hết hạn học tập, lao động… sẽ được ưu tiên đưa về”, ông Dũng nói.
Với các chuyến bay thương mại về nước, ông Dũng lưu ý phải phối hợp trong đưa đón và cách ly chặt chẽ, có sự giám sát, quản lý của các cơ quan, không được chủ quan, sơ hở.
Giải thích thêm về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết các chuyến bay thương mại không cố định trong ngày, mà là chuyến có tính chất thuê. Hành khách phải trả phí đầy đủ trọn gói từ kiểm dịch đến các chi phí liên quan. Những điểm đi, điểm đến cũng được giới hạn.
Các hãng bay cả trong nước và quốc tế đều phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát dịch chặt chẽ, phù hợp với khả năng cách ly và kiểm soát dịch bệnh của nước ta.
Ông Đông nhấn mạnh các chuyến bay đưa chuyên gia đến Việt Nam hay đưa công dân về nước vẫn được duy trì và đây là việc cần thiết. Song, ông lưu ý phải làm thật tốt công tác kiểm soát dịch.
Trong công điện khẩn phát đi ngày 2/12, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo việc bán vé cho người nhập cảnh bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh lợi dụng nâng giá, trục lợi, xử lý nghiêm các vi phạm; hạn chế các chuyến bay chở người nhập cảnh cách ly tại Hà Nội; thực hiện nghiêm việc cách ly đối với tổ bay, tiếp viên bảo đảm đúng các yêu cầu phòng, chống dịch.
Để thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế, Thủ tướng cho phép tiếp tục các chuyến bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Các chuyến bay đến Việt Nam phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch.
Các cơ quan đại diện ở nước ngoài xem xét, chỉ cho phép các trường hợp thật sự cần thiết về nước (kể cả về nước trong dịp Tết Nguyên đán) và gửi danh sách người được về nước cho Bộ Công an, Bộ GTVT để thực hiện các việc liên quan đến hoạt động nhập cảnh và tổ chức chuyến bay.
Các bộ, cơ quan liên quan và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về hỗ trợ công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại nước ngoài; giải quyết nhanh thủ tục tại các sân bay để kịp thời đưa công dân đến cơ sở cách ly theo kế hoạch, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở cách ly tập trung.