- Chiều 2/12, cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
- Cuộc họp báo bắt đầu từ 18h và dự kiến kéo dài 90 phút. Nhiều lãnh đạo các bộ, ngành tham gia để cung cấp thông tin, giải đáp các câu hỏi của báo giới.
Zing đặt 2 câu hỏi tại họp báo.
Câu 1: Đề nghị Bộ GTVT và Bộ Y tế cho biết việc để tiếp viên của Vietnam Airlines về cách ly tại nhà sau 4 ngày cách ly tập trung với 2 lần xét nghiệm âm tính có đúng quy định không? Tại sao Vietnam Airlines lại được áp dụng cơ chế này? Bộ GTVT sẽ xử lý Vietnam Airlines như thế nào?
Câu 2: Đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu thu thuế của Google, Facebook, Netflix ở Việt Nam, cũng như các cá nhân kinh doanh, cung cấp nội dung trên các nền tảng này? Nhân đây xin hỏi về điểm mới của Nghị định 126. Ngân hàng có quyền từ chối cung cấp thông tin tài khoản cá nhân cho ngành thuế hay không? Nếu bắt buộc phải cung cấp thì theo lộ trình nào, và ngành thuế bảo mật thông tin ra sao?
Đình chỉ Trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết vấn đề người dân quan tâm nhất là ca mắc Covid-19 ở TP.HCM. Ông cho biết Thủ tướng luôn quán triệt tinh thần “không để mất bò mới lo làm chuồng”. Sau 90 ngày, Việt Nam xuất hiện ca nhiễm mới nên vấn đề này được đặc biệt quan tâm.
Người phát ngôn Chính phủ nhắc lại tinh thần của Thủ tướng là khẩn trương khoanh vùng, dập dịch. Các giải pháp và phản ứng kịp thời của Việt Nam cũng được ghi nhận. Đặc biệt, ông cho biết Bộ GTVT được giao làm rõ trách nhiệm của cơ quan hàng không, cụ thể là Vietnam Airlines trong vụ việc tiếp viên của hãng này không chấp hành nghiêm quy định cách ly khiến dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP. |
Cũng theo người phát ngôn Chính phủ, Bộ GTVT đã ra quyết định tạm đình chỉ 15 ngày trưởng đoàn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines để kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
“Đây là bài học cho tất cả tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19”, ông Dũng nói.
Trao đổi với Zing chiều 2/12, ông Phan Ngọc Linh, Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, cho biết ông vừa nhận quyết định đình chỉ công tác 15 ngày để làm rõ trách nhiệm trong vụ nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Ông Linh nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi để tiếp viên gây ra vụ việc trên.
Ông cũng cho biết việc một cán bộ phải chỉ huy 3.300 tiếp viên là rất khó khăn. Sau vụ việc nam tiếp viên Vietnam Airlines làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng, hình ảnh tiếp viên của hãng bị ảnh hưởng. Đơn vị quản lý đã ghi nhận một số trường hợp tiếp viên bị quát mắng, kỳ thị, xa lánh.
"Tôi bảo với các em rằng nghề của chúng ta là 'làm dâu trăm họ', không tránh khỏi những thị phi, các em cứ vững tâm làm việc", Trưởng đoàn tiếp viên chia sẻ.
Tiếp viên làm lây nhiễm dịch là việc “rất nghiêm trọng”
Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh đầu tiên phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với cá nhân vi phạm. Theo ông Đông, các quy định về quản lý, phòng chống dịch Covid-19 đã được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế quy định rất rõ ràng, chặt chẽ. Việc lập khu cách ly ở đầu mối các địa phương đã được chấp thuận nhưng phải gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
“Nhưng trước hết phải nói đến trách nhiệm cá nhân chưa tuân thủ và có yếu tố chủ quan khi xét nghiệm âm tính nên có tiếp xúc với người khác”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Đ. Trung. |
Ông cũng cho biết trong vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan chủ quản lý hãng hàng không Vietnam Airlines. Đơn vị này đã có hành động ban đầu là đình chỉ người quản lý trực tiếp để kiểm điểm và kết quả kiểm điểm sẽ được công khai.
“Việc này rất nghiêm trọng, tác động đến cộng đồng và ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch. Phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, về mặt hành chính các cơ quan liên quan cũng sẽ làm và thông báo công khai”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Ông khẳng định trong vận tải công cộng, các yêu cầu về phòng, chống dịch là rất chặt chẽ, đặc biệt với các tổ lái và tiếp viên - là những người có khả năng lây nhiễm cao nên càng phải tuân thủ.
211 F1 tiếp xúc dưới 2 m với người mắc Covid-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo báo cáo mới nhất lúc 18h ngày 2/12, các cơ quan đã xác định được tổng số F1 là 800 người, trong đó có 211 F1 tiếp xúc dưới 2 m, 598 người tiếp xúc trên 2 m.
“Hiện ngành y tế đã xét nghiệm và có kết quả của 737/800 F1, trong đó phát hiện 4 ca dương tính Covid-19 như đã thông báo. Còn lại có 63 mẫu đang chờ”, ông Cường nói. Ông cũng thông tin các cơ quan y tế đang tiếp tục làm rõ hơn 1.300 F2, song có tin vui là hôm nay không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: Đ. Trung. |
Về khả năng kiểm soát dịch, với những bài học kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ 2 đợt dịch vừa qua, ông Cường cho biết Bộ Y tế cùng Chính phủ đang quyết liệt đưa ra giải pháp ngăn chặn với tinh thần khẩn trương, thần tốc điều tra, truy vết F1, F2, không để lây lan ra chu kỳ thứ ba.
Về đề xuất của TP.HCM về giãn cách xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng là những nơi có nguy cơ cao thì xem xét giãn cách, còn lại sẽ hoạt động bình thường.
“Tinh thần là không nên hoang mang nhưng cũng không nên chủ quan, lơ là và phải thực hiện được mục tiêu kép”, ông Cường nhấn mạnh.
Sàn đầu tư chứng khoán Forex là phạm pháp
Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết sàn Forex hoạt động không đúng quy định của pháp luật. Người đầu tư là tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật này. Ông khuyến cáo việc người dân không tham gia sàn Forex, nếu đầu tư rủi ro sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: Đ. Trung. |
Ông Tú cũng nhấn mạnh để có lợi tức trong kinh doanh đến hàng trăm % có dấu hiệu tính chất lừa đảo, bất hợp pháp. “Người dân khi đầu tư phải quan tâm phù hợp thực tiễn hay không”, ông Tú khuyến cáo.
Ai phải cung cấp giao dịch ngân hàng?
Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, cho biết Nghị định 126 mới ban hành yêu cầu ngân hàng cung cấp số giao dịch ngân hàng của cá nhân cho cơ quan thuế.
Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh chỉ yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng với đối tượng thuộc diện thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế nợ thuế. Cơ quan thuế và ngân hàng sẽ bảo mật thông tin của khách hàng.
Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng
Nhận được câu hỏi về thực trạng lãi suất ngân hàng giảm, nhiều người đang rút tiền đầu tư vào kênh khác, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng việc rút tiền là quyền của người gửi tiền. Khi thấy lãi suất tiền gửi cao thì có thể duy trì, ngược lại thì có thể rút ra.
Ông Tú cung cấp thông tin tăng trưởng tiền gửi các tháng đầu năm vẫn tăng 10,6%, nhanh hơn tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Đặc biệt, những tháng gần đây, số người rút tiền ra vẫn ít hơn số người gửi vào.
Về việc đầu tư trái phiếu vào doanh nghiệp, Phó thống đốc cho biết đã có đầy đủ quy định của pháp luật về vấn đề này, nhằm hạn chế các rủi ro, đảm bảo an toàn cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
Thu được hàng nghìn tỷ tiền thuế từ Google, Facebook, Netflix
Trả lời câu hỏi của Zing, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết thời gian qua đã thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới của một số doanh nghiệp nước ngoài.
Ông nhấn mạnh việc đã thu được hàng nghìn tỷ tiền thuế từ Googe, Facebook và Netflix nhưng không cung cấp con số cụ thể là bao nhiêu.
"VEC chưa có tiền để triển khai thu phí không dừng"
Trả lời câu hỏi về việc Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa triển khai thực hiện thu phí không dừng tại 4 tuyến cao tốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp này chưa có vốn. Để có tiền thì phải đợi đề án tái cơ cấu VEC được phê duyệt. Các cơ quan chức năng đang tiến hành thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền đề án tái cơ cấu VEC.
Tuy nhiên, ông Đông nhấn mạnh đến 31/12, VEC vẫn chưa thể hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại 4 tuyến cao tốc. Các tuyến còn lại sẽ thực hiện theo các giai đoạn đã cam kết.
Ba sáng kiến của Thủ tướng
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng điểm lại một số kết quả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội trong tháng qua và những tháng đầu năm. Trong đó, có nhiều điểm sáng nổi bật. Ông cho biết quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là kiên định những mục tiêu đề ra, không lùi bước trước dịch bệnh, biến nguy cơ thành thời cơ, hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội với mức cao nhất, ở mức 2,5-3% trong năm 2020.
Theo ông Dũng, nhiệm vụ còn lại của năm là rất nặng nề nên Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung phát triển kinh tế - xã hội ổn định, đặc biệt, tuyệt đối không lơ là trước dịch bệnh. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến người nhập cảnh, công tác cách ly, Thủ tướng sẽ có công điện chỉ đạo.
“Rút kinh nghiệm từ ca mắc mới ở TP.HCM, phải rút ra bài học về quản lý cách ly hoặc đón người từ nước ngoài về Việt Nam”, ông Dũng nói. Ông cho hay Thủ tướng đã giao các cơ quan quản lý chặt chẽ biên giới và tình trạng nhập cảnh trái phép, đồng thời quản lý chặt chẽ các khu cách ly.
Đặc biệt, người phát ngôn Chính phủ truyền đạt lại 3 sáng kiến của Thủ tướng. Một là phải trồng 1 tỷ cây xanh/năm (tương đương diện tích 5 triệu ha rừng/năm). Sáng kiến này đưa ra sau khi nhiều địa phương chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề bởi lũ lụt.
Hai là kích cầu tiêu dùng, khuyến khích hàng của thành phố, đô thị xuống nông thôn. Đồng thời khuyến khích đưa hàng nông thôn lên thành phố. “Kích cầu trong nước là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp và phải quản lý chặt tình hình nhập khẩu”, ông Dũng nói.
Ba là giao Bộ Y tế cải cách BHYT. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan sớm xây dựng chương trình để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo đà cho sự phát triển.