Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hầm mộ khổng lồ dưới lòng đất Paris

Chính vì tập trung rất nhiều hài cốt của người chết, nên nơi đây cũng có nhiều giai thoại thành thị được thêu dệt nên.

“Tuổi thọ”: 233 năm (bắt đầu được đưa vào sử dụng năm 1786).

Địa chỉ: Quảng trường Denfert-Rochereau, thủ đô Paris, Pháp.

Dưới lòng đất của Paris phồn hoa có một hệ thống đường hầm chằng chịt như mê cung không lối thoát. Nơi đây được mệnh danh là “Cổng vào địa ngục”, với hàng cột đen trắng sừng sững chào đón du khách cùng lời cảnh cáo làm bất cứ ai gan dạ nhất cũng phải phân vân chùn bước: “Dừng lại, ở sau đây là lãnh địa của thần chết” (Arrête, c’est ici l’empire de la Mort).

Mê cung dưới mặt đất ấy chính là hầm mộ Catacomb Paris, vốn là “kho” chứa khổng lồ của hơn 6 triệu xác chết từ thế kỉ 18. Hầm mộ này nổi tiếng với Giếng hồi ức, được cho là nơi lưu trữ mọi kí ức của trần gian, với dòng chữ chạm khắc nổi tiếng: Ngày tháng trôi qua như dòng nước chảy (Sicut unda dies nostri fluxerunt) và Cối xay thần chết, nơi dường như tập trung mọi nguồn năng lượng kì bí của hầm mộ, đôi khi chính năng lượng ấy được tin là khiến người ta lạc lối giữa mê cung.

Chau Au huyen bi anh 1

Một góc hầm mộ Catacomb Paris. Nguồn: lecatacombesdesparis.

Bản thân sự tồn tại của hầm mộ đã rùng rợn nhưng lí do nó ra đời càng làm người ta cảm thấy sởn da gà hơn nữa. Chính vì thế, địa điểm này là nguồn cảm hứng bất tận cho các bộ film kinh dị như Catacombs (2007) hay As Above, So Below (2014).

Câu chuyện là thế này, giữa thế kỉ 18, Paris trở thành một trong những đô thị văn minh và thịnh vượng nhất Châu Âu. Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của nó, lượng người đổ về Paris ngày một nhiều và thành phố đối diện với một vấn đề nan giải: Các nghĩa trang đều quá tải và điều này đã làm ô nhiễm môi trường sống của người dân rõ ràng đến nỗi chính phủ phải đưa ra giải pháp ngay lập tức trước khi vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn.

“May” thay, dưới lòng Paris lúc này đã tồn tại sẵn những đường hầm khai thác đá vôi khổng lồ bị bỏ hoang từ lâu. Hệ thống này cũng làm lòng đất Paris trở nên rỗng ruột và nhiều vụ sạt lở không đáng có đã xảy ra.

Thế là một công đôi việc, vừa để củng cố đường hầm không bị sập, vừa giải quyết vấn đề quá tải xác chết, kiến trúc sư thiên tài Charles-Axel Guillaumot đã nảy ra sáng kiến di chuyển xương người quá cố để lấp đầy các cột chống của hầm đá bỏ hoang này.

Thế là mộ phần của hàng triệu người dân Paris đã lần lượt được di chuyển trong đêm xuống hầm mộ Paris trong suốt hai năm trời. Có lẽ hầm mộ Paris sẽ mãi mãi là nơi hoang tàn lạnh lẽo như thế nếu không có công của hoàng đế Napoleon vĩ đại, người không chỉ có tài quân sự mà còn có tầm nhìn xa vượt thời gian với quyết định cải tổ đường hầm này trở thành một địa điểm du lịch thú vị nhưng vẫn không kém phần rùng rợn.

Nhiều người kể rằng họ thậm chí có thể cảm nhận năng lượng lạnh lẽo của Thần Chết khi dùng hai tay chạm vào Cối xay thần chết dưới hầm mộ chứa đựng nhiều bí ẩn này.

Chính vì tập trung rất nhiều hài cốt của người chết, nên nơi đây cũng có nhiều giai thoại thành thị được thêu dệt nên. Độ xác thực không rõ bao nhiêu nhưng vẫn thu hút nhiều du khách hiếu kì.

Người ta nói rằng thỉnh thoảng vẫn trông thấy hồn ma đi từng đoàn qua những hành lang hầm mộ dài vô tận. Lại có thêm truyền thuyết về người đàn ông toàn thân màu xanh thường ẩn nấp đằng sau những góc khuất.

Thậm chí, người ta còn đồn đại rằng sâu bên trong hầm mộ có những căn phòng bí mật là nơi các hội kín thờ các vị thần địa ngục như Satan, Valak, Paimon… Đặc biệt, người ta cấm kị khi đến đây không được chơi trò gọi hồn, cầu cơ, bởi lẽ trong lúc vô tình, bạn có thể mở cửa địa ngục và bị ám bởi rất nhiều linh hồn.

Trong thực tế, ngoại trừ khu vực hợp pháp được tham quan thì còn nhiều khu vực chưa từng được khám phá. Có nhiều báo cáo về các trường hợp lạc trong hầm mộ cũng như hoạt động hiến tế động vật trong các khu riêng biệt. Vẫn có hội những người tiếp tục khám phá nơi này, đánh dấu trên bản đồ để giúp đỡ cho cảnh sát trong các vụ án.

Mặc dù nhiều câu chuyện ghê rợn như vậy, nhưng nếu bạn là người thích mạo hiểm thì sẽ là thiếu sót lớn nếu đến Paris mà chưa khám phá nơi này đấy. Hãy cẩn trọng, đừng đi riêng một mình nhé, dễ bị ám ảnh hoặc lạc lối giữa mê cung hầm mộ lắm. Tôi và các bạn của mình đã phải nhiều lần vừa đi vừa quay lại phía sau để kiểm tra chắc chắn rằng không có bộ xương nào tỉnh dậy và bám theo đấy.

Philippe Ngo / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY