Khi thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaski thông báo hôm 5/3 rằng Tổng thống Biden sẽ tổ chức cuộc họp báo solo đầu tiên tại Nhà Trắng vào ngày 25/3, chính quyền Mỹ lạc quan rằng ông Biden có thể công bố những "thành tích" ban đầu với không ít điểm sáng đáng ghi nhận.
Đó là việc vượt qua mục tiêu "tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày" cho người dân Mỹ. Cùng với đó là thông qua gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD.
Theo một cuộc khảo sát ngày 17/3 của Reuters, có đến 59% người dân Mỹ hài lòng với những kết quả mà chính quyền của Tổng thống Biden đạt được cho đến thời điểm hiện tại.
Với tỷ lệ ủng hộ trên, nhiều thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ tin rằng đảng này có thể mở rộng thế đa số tại cả Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 sắp tới.
Người biểu tình phản đối nạn thù ghét người gốc Á ở Mỹ. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 9 ngày trước cuộc họp báo, nhiều biến cố đã xảy ra. Khi ông Biden bước tới bục trả lời họp báo ngày 25/3, dự kiến vào 13h15, theo giờ địa phương, ông còn phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng và thách thức mới nổi lên.
Cả nước Mỹ chấn động sau hai vụ xả súng hàng loạt, khiến tổng cộng 18 người chết, trong đó 10 người tử vong trong vụ xả súng ở siêu thị tại thành phố Boulder, bang Colorado hôm 22/3 và 8 người thiệt mạng hôm 16/3 trong vụ xả súng tại ba tiệm massage ở khu Atlanta.
Hôm 23/3, Tổng thống Biden nhấn mạnh mục tiêu cấm các loại vũ khí tấn công ở Mỹ, đồng thời hối thúc quốc hội thông qua các dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn sau hai vụ xả súng chết người. Trước đó, ông cùng Phó tổng thống Kamala Harris đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về thù hận và bạo lực sau vụ tấn công ở khu Atlanta, nơi có 6 người gốc Á thiệt mạng trong số 8 nạn nhân.
Sonjia Hadley, một sinh viên của Đại học Colorado ở Boulder, tại điểm tưởng niệm sĩ quan cảnh sát Eric Talley thuộc Sở cảnh sát Boulder. Ông Talley nằm trong số 10 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở siêu thị ở Boulder hôm 22/3. Ảnh: Washington Post. |
Khủng hoảng người nhập cư
Bên cạnh những thành công đã đạt được, Tổng thống Biden cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước. Những thách thức này càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh chia rẽ đảng phái nội bộ nước Mỹ ngày một gia tăng.
Một trong những thách thức lớn nhất mà Tổng thống Biden phải giải quyết chính là tình trạng khủng hoảng người di cư tại biên giới phía Nam của nước Mỹ. Kể từ khi ông Biden nhậm chức, dòng người nhập cư đổ về Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đột biến.
Sự gia tăng số lượng người vượt biên và nhập cư vào Mỹ là kết quả của các chính sách nhập cư có phần nhân nhượng so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Một cơ sở giam giữ người nhập cư tại bang Texas. Ảnh: Getty Image. |
Chính sách mới của ông Biden sẽ cho phép các trường hợp trẻ em nhập cư mà không có bố mẹ đi cùng được ở lại tạm thời ở Mỹ. Ông cũng tuyên bố sẽ cấp quốc tịch cho 11 triệu người nhập cư trái phép đang sống tại Mỹ, theo New York Times.
Theo The Hills, hiện tại có hơn 14.000 trẻ em không có người giám hộ đang ở tại các trung tâm di trú của Mỹ chờ đợi việc xử lý thủ tục nhập cư. Con số này hiện tại vượt quá công suất của các cơ sở thuộc Cơ quan Di trú Mỹ do những nơi này đều đang phải giảm số lượng người được tiếp nhận để đảm bảo công tác phòng chống Covid-19.
Sự gia tăng số lượng người nhập cư vào Mỹ từng là một vấn đề nan giải với nhiều đời tổng thống trước đây. Với những chính sách nhân đạo hơn với người nhập cư của Tổng thống Biden, vấn đề này sẽ càng trở nên phức tạp hơn nữa khi số lượng người di cư qua biên giới Mỹ - Mexico ngày càng gia tăng.
Vấn nạn phân biệt chủng tộc
Nạn phân biệt chủng tộc là một trong những vấn đề tồn tại lâu đời nhất tại Mỹ. Sự phân biệt đối xử với các cộng đồng sắc tộc thiểu số là nguyên nhân của nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn trong quá khứ.
Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, một người luôn có những phát ngôn gây hiềm khích và chia rẽ đối với các cộng đồng thiểu số tại Mỹ, vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn.
Trong nhiệm kỳ của ông Trump, nước Mỹ đã trải qua nhiều vụ biểu tình bạo lực xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc gây không ít thương vong. Trong số đó có thể kể tới cuộc biểu tình của tại thành phố Charlottesville, bang Virginia khiến 2 người thiệt mạng, hay hàng loạt cuộc biểu tình sục sôi thuộc phong trào Black Lives Matter sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd. Vụ việc nghiêm trọng nhất chính là cuộc bạo loạn tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, D.C. hôm 6/1 đã dẫn đến cái chết của 6 người.
Vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội vào ngày 6/1 là biểu trưng cho sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong lòng nước Mỹ. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã biến cộng đồng người Mỹ gốc Á trở thành đối tượng tiếp theo bị phong trào phân biệt chủng tộc tại Mỹ nhắm đến. Theo tổ chức Stop APPI Hate, chỉ trong năm 2020, đã có gần 3.800 vụ tấn công nhằm vào cộng đồng này.
Tổng thống Biden sau khi trở thành người đứng đầu nước Mỹ sẽ phải hàn gắn một đất nước chia rẽ hơn bao giờ hết sau nhiệm kỳ của ông Trump.
Một quốc hội chia rẽ
Để giải quyết được những thách thức trên, Tổng thống Biden phải có được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Hiện tại, đảng Dân chủ đang nắm giữ lợi thế ở cả Thượng viện và Hạ viện. Tuy vậy, lợi thế này quá mong manh khi đảng Dân chủ phải cần tới lá phiếu của Phó tổng thống Kamala Harris để phá vỡ thế cân bằng 50-50 tại Thượng viện.
Quốc hội Mỹ sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump ngày càng bị chia rẽ bởi tính đảng phái. Ảnh: Getty Image. |
Hơn nữa, lợi thế này cũng không giúp cho chính quyền của Tổng thống Biden thông qua những đạo luật lớn do sự ngăn cản từ nguyên tắc filibuster (nguyên tắc cho phép từng nghị sĩ tranh luận một đạo luật không giới hạn thời gian, nhằm ngăn cản đạo luật được thông qua).
Nguyên tắc này cho phép đảng Cộng hòa có thể chặn các dự luật lớn được chính phủ Tổng thống Joe Biden đề xuất. Tuy vậy, một số thành viên trong đảng của ông Biden cũng không muốn bãi bỏ quy tắc này phòng trường hợp đảng Dân chủ mất đi lợi thế tại quốc hội.
Đảng Cộng hòa đang làm mọi cách để trì hoãn những kế hoạch của Tổng thống Biden cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022, nơi đảng này có thể giành lại thế đa số trong quốc hội từ tay đảng Dân chủ.