Bình luận
Khi Olympic mùa đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh, mọi diễn biến của Thế vận hội đều trở thành những chủ đề bàn luận. Một số vận động viên vẫn phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt, trong khi một số khác lại được hưởng lợi khi cổ động viên đón chào nồng nhiệt.
Những đứa con cưng
"Hoàng tử sân băng" Yuzuru Hanyu của Nhật Bản đã chiếm trọn trái tim của người hâm mộ Trung Quốc, dù anh không có màn thể hiện thành công tại Olympic Bắc Kinh.
Anh ngã 2 lần trong phần thi cá nhân, nhưng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người hâm mộ Trung Quốc. Hashtag "Tại sao chúng tôi yêu Yuzuru Hanyu" đã lan truyền và trở thành xu hướng tìm kiếm hàng đầu trên mạng xã hội. Và sau đó, nỗ lực xoay 4 vòng của anh cũng vào top thịnh hành với hashtag "4A".
Ngay cả khi không thi đấu, tên của Hanyu vẫn là chủ đề tìm kiếm số một trên chuyên mục thể thao, với khoảng 325.000 chủ đề dành riêng cho anh, theo Insider.
Ngôi sao Nhật Bản Hanyu được yêu mến tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó Eileen Gu, ngôi sao mang hai dòng máu Mỹ - Trung Quốc, nhanh chóng trở thành hiện vận động viên được yêu thích nhất mạng xã hội Trung Quốc.
Sau khi cô giành tấm HCV cho đoàn thể thao chủ nhà ở nội dung trượt tuyết nhào lộn tự do, chiến thắng của cô đã thu hút hơn 300 triệu lượt xem trong vòng một giờ trước khi nền tảng mạng xã hội ngừng hoạt động, và chiếm 7 trong số 10 tìm kiếm thịnh hành.
Gu, 18 tuổi, đã hưởng lợi lớn khi nhận được sự quan tâm của khán giả. Cô được hàng loạt hãng thời trang nổi tiếng ký hợp đồng, với giá trị lên tới hàng chục triệu USD.
Được yêu mến gọi là "Công chúa Ếch" vì hay đội chiếc mũ bảo hiểm màu xanh lá cây, Gu đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trong suốt Thế vận hội. Mọi người bàn luận về cách cô ăn bánh ngọt trong khi chờ điểm từ ban giáo khảo, đến phản ứng dễ thương của cô khi vấp ngã tại vòng loại.
Mỗi chủ đề thịnh hành về Gu có hàng trăm triệu lượt xem. Tổng số lượt xem về các chủ đề của cô lên đến hàng tỷ.
Trong khi được sự quý mến của người dân Trung Quốc, Gu lại phải đối mặt với sự chỉ trích của người Mỹ vì cô không chọn thi đấu cho đội tuyển xứ cờ hoa, dù lớn lên ở San Francisco.
Eileen Gu nhận nhiều hợp đồng giá trị nhờ nổi tiếng tại Olympic Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Nếu Eileen Gu là "Công chúa", nhiều người hâm mộ lại đặt cho Su Yiming (Tô Dực Minh) biệt danh là "Little Su". Khi vận động viên 17 tuổi ngã trong cuộc thi vòng loại hôm 14/2, mạng xã hội tràn ngập các bình luận và bài đăng hỏi liệu anh có bị thương không.
Trong những ngày đầu tiên của Thế vận hội Bắc Kinh, dư luận Trung Quốc xôn xao về việc Su bị đánh lén tại chung kết trượt tuyết nam. Họ cho rằng Max Parrot của Canada đã dùng tiểu xảo để giành HCV, còn Su nhận HCB.
"Bạn đã đánh cắp HCV của cậu bé 17 tuổi", người hâm mộ bình luận, nhận hơn 32.000 lượt thích. Nhiều người còn đăng meme linh vật Olympic để dọa bắn trọng tài điều khiển cuộc thi. Điều này buộc Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) lên tiếng nói những hành động đó "trái với tinh thần Olympic".
Câu chuyện xung quanh Su đã thay đổi vào hôm 15/2, khi anh giành HCV nội dung trượt tuyết nhảy cầu. Cuộc thảo luận về chiến thắng của Su đã bùng nổ trên mạng xã hội, với hơn 1,03 tỷ lượt xem trong vòng 6 giờ đầu.
Su sẽ tròn 18 tuổi chỉ 3 ngày sau khi giành HCV. "Món quà sinh nhật lần thứ 18 tuyệt vời nhất từ trước đến nay. Little Su thật tuyệt vời". Bình luận này nhận về gần 40.000 lượt yêu thích.
Những đứa con ghẻ
Vận động viên trượt băng nghệ thuật sinh ra tại Mỹ Zhu Yi đã chọn đại diện cho Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh. Tuy nhiên, cô gái 19 tuổi có màn ra mắt không được như mong đợi và hứng chịu cơn bão chỉ trích của người hâm mộ.
Zhu trở thành chủ đề chế giễu khi thực hiện hỏng 2 cú nhảy và đâm vào biển quảng cáo trong bài thi đồng đội hôm 6/2. Màn trình diễn thất bại của cô khiến tuyển Trung Quốc tuột tấm huy chương, khi rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5. Cô đã rơi nước mắt, nói với các phóng viên rằng "buồn và xấu hổ".
Tuy nhiên, lời xin lỗi đó không đủ để dập tắt cơn thịnh nộ của người hâm mộ trên mạng xã hội. Ý kiến phản đối Zhu trở nên tồi tệ đến mức các nhà kiểm duyệt Trung Quốc phải vào cuộc, gỡ hơn 71.000 bài đăng và khóa 2.000 tài khoản.
Zhu Yi bị chỉ trích vì làm mất tấm huy chương nội dung đồng đội. Ảnh: Reuters. |
Nathan Chen, vận động viên trượt băng người Mỹ gốc Trung Quốc, cũng hứng chịu nhiều bình luận tiêu cực. Hashtag về Chen bắt đầu tràn ngập trên mạng xã hội khi anh giành HCV trượt băng nghệ thuật với những cú nhảy 4 vòng đẹp mắt.
"Tên anh ấy là Nathan Chen nhưng không xứng đáng với một cái tên Trung Quốc", bình luận nhận được hơn 2.700 lượt thích. Nhiều người cho rằng phần trình diễn của Chen là "hoàn toàn không có vẻ đẹp thẩm mỹ".
Các bình luận viên Trung Quốc cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước việc Chen vượt qua Hanyu để giành HCV. Họ chế nhạo anh là "kém hấp dẫn về mặt hình ảnh và kỹ năng" so với đối thủ người Nhật Bản.
Trong khi đối thủ Hanyu trở thành ngôi sao ở Bắc Kinh, Chen lại bị coi là "kẻ phản bội". Một số áp phích trên mạng xã hội Trung Quốc gọi anh là "kẻ phản bội" khi từng đưa ra những bình luận tiêu cực và cũng như việc lựa chọn khoác áo tuyển Mỹ.
Bên cạnh đó, Hwang Dae-heon cũng trở thành tâm điểm chỉ trích, sau khi anh có tiểu xảo khiến vận động viên chủ nhà Wu Dajing mất lợi thế ở môn trượt băng tốc độ. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn đối với anh trên mạng xã hội sau khi giành tấm HCV.
Một vận động viên trượt băng tốc độ khác của đội Hàn Quốc, Cha Min-kyu, cũng bị chỉ trích vì hành động lau bục trước khi bước lên trong lễ trao huy chương nội dung 500 mét nam. Một số người bình luận cáo buộc anh vô đạo đức và xúc phạm Trung Quốc.