Sau cơn bão Gabrielle ở New Zealand, những quả táo ở khắp mọi nơi, rải rác khắp các thung lũng và đồng bằng. Chúng nằm trên những con đường và cả trong những đống bùn khô, theo Guardian.
Khi nước lũ dâng cao, mọi người lội qua nước ngập đến thắt lưng, rồi đến vai - rồi bơi qua dòng nước lũ và cả những trái táo.
Khi nước sông dâng cao qua nhà của Max Robertson, anh đã đẩy cha mình và hai con chó lên một chiếc bàn nổi và cố gắng kể một câu chuyện cười: “Cha ơi, nhìn này, chúng ta có thể chơi trò ăn táo nổi”.
Khi cơn bão Gabrielle ập vào vịnh Hawke, những dòng nước lũ đã cuốn trôi hàng trăm hecta vườn cây ăn trái, tước sạch trái trên cây và cuốn chúng qua các thung lũng.
Những ngôi nhà chìm trong biển nước
Cuốn trôi theo dòng nước lũ là kế sinh nhai của nhiều nông dân, nhà cửa, đồ đạc. Tính đến ngày 19/2, số người chết vì bão Gabrielle ở New Zealand đã tăng lên 11, khi hàng nghìn người vẫn mất tích một tuần sau khi cơn bão này tấn công đảo Bắc của đất nước, theo Reuters.
Chính phủ New Zealand ngày 14/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi cơn bão tàn phá cơ sở hạ tầng và gây ra thiệt hại tại nhiều khu vực.
Sau cơn bão, nhiều người dân đang cùng nhau cố gắng khắc phục thiệt hại. Khi những nỗ lực cứu trợ đang diễn ra trên toàn quốc và dịch vụ khẩn cấp bị dàn mỏng, một số người dân đã thất vọng vì không nhận được thêm sự hỗ trợ.
Ở các thị trấn nhỏ và thung lũng, cư dân đang tụ tập để đào bùn, dọn dẹp nhà cửa và bảo vệ nhà cửa khỏi những kẻ cướp bóc. Nhiều người cho biết họ đang chứng kiến điều tốt nhất và tồi tệ nhất mà nhân loại mang lại.
Trong khi đó, y tá Julia Ebbett và bác sĩ Penny Henley đang đi quanh thung lũng nơi họ sống để thăm khám cho người dân và giúp đỡ những gì có thể. Ít nhất một phụ nữ trong cộng đồng nhỏ này đã được xác nhận là đã thiệt mạng do bị nước lũ nhấn chìm trong nhà.
Hậu quả lũ lụt ở khu vực vịnh Hawke, New Zealand. Ảnh: Guardian. |
“Khoảng 4h30, tôi thức dậy và chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm. Tôi nói với chồng tôi, xung quanh toàn là nước, những cây cầu đã biến mất, và thung lũng đã ngập nước”, y tá Ebbett, sống trên sườn đồi, cho biết.
Ở thượng nguồn, nước sông Tūtaekurī đã dâng cao. Len lỏi về phía thung lũng, dòng nước đánh sập những cây cầu và khoét sâu vào sườn đồi. Dòng nước đó cũng đã khiến vùng thung lũng ngập đầy nước.
Khi trời sáng, cô Ebbett nói: “Tôi nhìn sang những người hàng xóm và chỉ thấy một ‘hòn đảo’ cừu, và phần còn lại giống như một dòng sông. Những ngôi nhà đối diện với chúng tôi bị nước bao phủ hoàn toàn”.
Người hàng xóm của cô đang cùng hai đứa con và một chú chó ở trên một cái cây, nơi họ đã bám trụ suốt đêm.
"Họ gọi cho lực lượng cứu hộ vào khoảng 17h và về cơ bản, cô ấy đã đợi ở đó 5 tiếng đồng hồ trên cây", y tá này cho biết. Cô ấy bị bầm tím từ đây trở xuống, Ebbett nói, chỉ tay vào eo của mình.
Vào sáng sớm hôm đó, khi các trực thăng vẫn bị cản trở bởi gió lớn, nhiều nhóm cứu hộ bao gồm người dân địa phương đã lội qua phù sa và nước cao đến ngực để giúp đỡ những người mắc kẹt.
Cảm giác bị bỏ mặc
Giờ đây, khi những người ứng cứu khẩn cấp tiếp tục tìm kiếm các thi thể và phải kiêm thêm việc vận chuyển các vật dụng thiết yếu, phần lớn công việc dọn dẹp ban đầu lại thuộc về người dân địa phương. Họ dọn dẹp nhà của nhau, chia sẻ nước, vận chuyển những đồ quyên góp từ các thị trấn lân cận.
“Mọi người đôi chút cảm thấy bị bỏ mặc. Họ đang tức giận và khó chịu”, bà Henley nói.
Trên con phố chính của thị trấn, một nhóm kéo đồ đạc và nệm bị hư hại của một ngôi nhà đi vứt bỏ. Một chiếc xe tải chở đầy bánh mì kẹp thịt bò đã đến để tặng cho người dân. Trong khi đó, một người đàn ông đang phát xúc xích cho những người qua đường.
Tuy nhiên, bên kia đường, một cuộc họp cộng đồng đang diễn ra trên con phố chính: Sau khi bốn ngôi nhà bị cướp vào đêm 18/2, căng thẳng đang leo thang. Khi cuộc họp kết thúc, thị trấn quyết định dựng rào chắn trên tuyến đường chính ra vào thị trấn cùng nhiều biện pháp khác.
“Mọi người đều khá đau lòng. Chúng ta đã chịu đựng đủ rồi”, Nigel Parkinson, người đã tình nguyện canh gác rào chắn vào tối hôm đó, nói.
“Cảnh sát vẫn đang tìm kiếm những người mất tích. Họ đang cố gắng tìm người. Vì vậy, chúng tôi biết rằng họ đang làm mọi thứ có thể, nhưng họ đang bị căng mình đối phó”, anh nói.
Nước lũ dâng cao sau cơn bão Gabrielle. Ảnh: Reuters. |
Trong một căn hộ đổ nát cạnh xưởng cơ khí địa phương, nước đã nhuộm những bức tường của Paul Shann thành màu xám nâu. Anh đã tháo chạy đến vùng đất cao hơn trước khi nước dâng quá cao.
Anh cho biết gần như mọi thứ trong căn hộ của mình đã bị nước phá hủy. Một số đồ đạc, dụng cụ vớt được đang phơi ngoài trời. Bên cạnh chúng, rác cháy trong thùng phuy kim loại.
Shann rút một cây ba chỉa ra khỏi đống dụng cụ còn lại - và nói rằng anh đã mang nó bên mình, khi anh không ngủ được vào ban đêm và đi bộ qua thị trấn. Theo chia sẻ của anh, mặc dù nó không hợp pháp, anh có thể sử dụng dụng cụ này để chống lại những kẻ cướp.
Bên cạnh đó, bà Henley cho biết nhiều người - có lẽ phải di tản và bị tước đoạt tài sản - đã đến khu vực này. “Họ sẽ không đến để giúp đỡ”, ông nói.
Bên ngoài trạm cứu hỏa và cấp cứu, một người phụ nữ đang chào đón những người đến trợ giúp. “Chà, bạn sẽ chứng kiến những thiên thần và những kẻ khốn nạn trong những lúc như thế này”, cô nói khi nghe tin rằng những kẻ cướp bóc đang hoành hành.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.